TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 121 CN  20.01.2008

 

\ Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

Mục lục

 

 

Chúa nhật II Thường Niên.

CON CHIÊN VÀ NHÂN CHỨNG..

CẢNH BÁO CUỐI NĂM...

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế Giới về Người Di Dân và Người Tị Nạn lần thứ 94  (Ngày 13 tháng Giêng 2008 Những Người Di Dân Trẻ.

KHAI MẠC TUẦN LỄ DI DÂN TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON..

Giáo phận này luôn mở rộng vòng tay và con tim để đón tiếp các bạn.

Khánh thành Nhà Giáo Lí giáo xứ Tân Đông, Saigòn.

TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT.

Gia đình Gioan mừng thọ Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.

VÀI NIÊN BIỂU VỀ QUÁ TRÌNH PHỤC VỤ CỦA ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG  

Triển lãm « THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS tại Á Châu 350 năm lịch sử và mạo hiểm : 1658-2008.

từ 08/01 đến 15/03/2008 tại 128, rue du Bac, PARIS.

Thư phản bác của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội  về Công văn của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội

Công văn Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội

gửỉ Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam..

và Tòa Giám Mục Hà Nội

TÌM HIỂU SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN 2008.

“ NGƯỜI DI DÂN TRẺ”.

NHỮNG CÚ NGÃ NGỰA..

CHIÊN CỨU ĐỘ..

MỘT TRĂM NĂM TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HỢP NHẤT KITÔ HỮU..

Nhóm ve chai Nhân Ái giáo phận Hải Phòng.

LÒNG QUẢNG ĐẠI BAO LA ĐỐI VỚI TRẺ EM MỒ CÔI.

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007.

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ NGUỒN ĐỂ TRI ÂN :“NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO..

CỦA CÁC CHA DÒNG CHÚA CỨU THẾ”.

Ứng xử khi con hay nói leo.

ĐỨC GIÊSU TRUYỀN GIÁO CHO LƯƠNG DÂN..

 

 

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa nhật II Thường Niên

Ga 1, 29-34

"Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần'. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa". Đó là lời Chúa.

 

CON CHIÊN VÀ NHÂN CHỨNG

 

Danh từ “Chiên” và thành ngữ “Con Chiên gánh tội” rất quen thuộc với môi trường văn hóa Do thái. Đặc biệt trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước.

 

Người ta liên tưởng đến con chiên được giết và ăn trong đêm người Do thái vội vã ra khỏi Ai Cập. Nhờ máu Con Chiên được bôi lên khung cửa mà Thiên Thần “Vượt qua” không giết hại con trai Do thái ( Xh 12, 21-25). Tiên tri I-sai-a cũng thường nói đến con chiên như là con vật hiển linh, và đồng hóa với Người Tôi Trung dịu hiền, bao dung, nhẫn nại…(Is 42,14;53,7), nhưng kiên quyết không chấp nhận bất công, quyết một niềm thực thi công lý…(x Gr11,19). “Con Chiên” cũng nhắc đến “ Chiên Vượt Qua” trong Tin Mừng Gioan. (Ga 9, 14). Đức Giêsu bị giết vào đúng lúc người ta giết chiên để ăn tiệc vượt qua. Đức Giêsu chính là Con Chiên Vượt Qua, dùng cái chết của mình để thực hiện cuộc giải phóng nhân lọai. Sách Khải Huyền đã có tới 24 lần nói về Con Chiên bị sát tế, nay phục sinh vinh hiển, ngự trên ngai với Thiên Chúa, để nhận những lời tung hô chúc tụng (Kh5,11-13; 7,9-13).Chỉ có những người liêm chính, trong sạch (Kh14, 4) mới được tháp tùng Con Chiên và “dự tiệc Con Chiên”( Kh19, 9).

 

Lần đầu tiên gặp gỡ Đấng Cứu Thế cách mầu nhiệm qua người mẹ cưu mang con, thánh Gioan đã hân hoan “ nhảy mừng”. Đến nay đã 30 năm. Nhân vật Ngài đang chiêm ngắm xuất hiện như một chàng thanh niên trưởng thành, chững chạc…dáng vẻ siêu thoát và thần thái uy nghi như một bậc tôn sư trọng vọng, thánh Gioan nhận ra ngay đó là Đấng Thiên Sai đến trần gian để làm Con Chiên cứu độ lòai người. Ngài mau mắn giới thiệu với đám đông quần chúng đang có mặt, bằng một kiểu nói bóng bẩy, nhưng rất chính xác “ Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”(Gá,30).

 

Không có lời giới thiệu nào lôi kéo chú ý dư luận bằng những lời vừa khiêm tốn, vừa chân thành như thế. Ngôn từ được thốt ra bởi một nhân vật rất có uy tín, có sức khuấy động và lôi kéo quần chúng gồm đủ giai cấp, chức bậc, nghề nghiệp đến với mình cả những biệt phái, kinh sư, kỳ lục… vốn là lớp người ngạo mạn và lập dị. Ngài còn dựa vào chứng tá của Trời Cao mà làm chứng khi nói: “Tôi đã không biết Ngài. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước, đã bảo tôi; ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần ( xGa,31, 34). Một lần nữa, Gioan Tiền Hô nói rõ trách nhiện duy nhất của ông, là chỉ cho người ta đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là tất cả. Ông chẳng là gì hết. Cả đến xách dép cho Người cũng không xứng. Ông không hề yêu sách, đòi hỏi danh tiếng địa vị cho mình. Ông chỉ là người đứng sau, “kéo màn”, để Chúa Giêsu một mình chiếm ngự trên sân khấu. Chúng ta biết rằng ;  đứng ở vị trí thứ nhì khi đã từng thành công ở vị trí thứ nhất, thật không dễ ! Trước khi rút lui vào bóng tôi ông còn kêu gọi các môn đệ của ông rời bỏ ông để theo Đức Giêsu. Tâm hồn ông thật cao cả. Ông là một lương tâm trong sáng, chính trực, một lòng trung tín với nhiệm vụ, không bao giờ sai chạy. Ông say mê Chân Lý.Không bao giờ vì cơ hội chủ nghĩa, mà thích nghi, gia giảm hay uốn cong… Đối với ông, không thể có hai chân lý. Ông chỉ muốn là tiếng nói trung thực của Thiên Chúa, là phát ngôn viên nhiệt thành của Người.

Bài học cụ thể cho chúng ta hôm nay là gì ?

 

Thưa, là biết làm chứng về Chúa cho mọi người.Muốn làm chứng tốt về Chúa- nghĩa là nói sự thật về Ngài- chúng ta cần biết Ngài. Biết Ngài một cách sâu thẳm. Biết Ngài như một kinh nghiệm thân mật, riêng tư…là chia sẻ chính cuộc đời Ngài. Và sau cùng, có  một quan hệ thân thương như được đụng chạm đến Ngài, như thánh Gioan thánh sử viết : “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi chạm đến, đó là Lời Sự Sống” (1 Ga 1, 1-2).

 

Nếu biết là đi vào mầu nhiệm – vì Thiên Chúa là Đấng Huyền Nhiệm – thì mầu nhiệm cứ vẫy gọi người ta đến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc và thanh cao.

 

Lm. Anton Vũ Thanh Lịch

Ban Mê thuột

Mục lục

 

TU ĐỨC

 

CẢNH BÁO CUỐI NĂM

 

Cuối năm ta, các cộng đoàn lớn lớn nhỏ trong Hội Thánh Việt Nam thường làm tổng kết. Tổng kết những gì, và vì mục đích gì ? Câu  trả lời thường rất hồn nhiên. Tức là tổng kết các thành tích, để mừng nhau và tạ ơn Chúa.

 

Lời Chúa cảnh báo

 

Nói thế không sai theo cái nhìn chủ quan tự nhiên. Nhưng Chúa thấu suốt mọi sự. Người cảnh giác chúng ta hai điều. Điều thứ nhất là đừng phô trương, điều thứ hai là hãy khiêm nhường. Hai điều đó đã được  Chúa Giêsu nói rõ ràng trong bài Phúc Âm Lễ Tro, năm nay trùng vào ngày 30 Tết.

 

Về việc bố thí từ thiện, Chúa phán : “Khi các ngươi bố thí, thì đừng thổi loa trước như bọn giả hình làm nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ.

Quả thực, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.

 

Còn ngươi có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín, và Cha các ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi” ( Mt 6, 1-4)

 

Về việc cầu nguyện, Chúa phán : “Khi các ngươi cầu nguyện, thì cũng chớ làm như kẻ giả hình, họ ưa cầu nguyện giữa hội đường và các ngã đường, để thiên hạ trông thấy.

 

Quả thực Ta bảo các ngươi  rằng : Họ đã được thưởng công rồi.

 

Còn ngươi, khi cầu nguyện thì hãy vào phòng, đóng cửa lại mà cầu xin với Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn sẽ trả công cho ngươi” ( Mt 6, 5-6).

 

Về việc ăn chay khổ chế Chúa phán : “Khi các ngươi ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não. Họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta.

 

Quả thực, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.

 

“Còn ngươi, khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết việc ngươi ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha ngươi, Đấng trả công cho ngươi” ( Mt 6, 16-18).

 

Thực thi Lời Chúa cảnh báo.

 

Trong những thế kỷ đầu của Hội Thánh, những lời Chúa phán dạy trên đây đã được hầu hết cá nhân và cộng đoàn đức tin thực hiện nghiêm túc. Không ai thêm, không ai bớt. Mọi người đều biết đạo mình chỉ phải dựa vào một Chúa mà tồn tại và phát triển.

 

Nhưng với tình hình lịch sử biến chuyển, lời Chúa trên đây đã được thực hiện với nhiều linh động. Vì nhu cầu vận động dư luận, nhu cầu chia sẻ, nhu cầu truyền đạo cần dựa phần nào vào kinh tế, văn hoá. Nên không thiếu nơi cảm thấy phải dùng đến nhiều hình thức cởi mở. Không nói là để phô trương, nhưng sẽ nói là để khích lệ trong nội bộ, và làm chứng đạo mình trước thế gian.

 

Bây giờ, chẳng may với phong trào thế tục dâng cao, lời Chúa phán dạy trên bị một số người coi như từ chối. Thực tế cho thấy nhiều hình thức phô trương quá mức đã trở thành bình thường.

 

Cùng với việc phô trương mình, tệ hại là có việc khinh chê, kết án hạ giá người khác, chỉ để nâng mình lên.

 

Trong các thứ phô trương, thì phô trương quyền lực xem ra đang diễn tiến tinh vi nguy hiểm.

 

Trong tình hình như thế, tôi vẫn tin vào lời Chúa. Nếu thực sự là phô trương, thì phải tránh. Nếu phải cởi mở, thì vẫn giữ tinh thần khó nghèo khiêm tốn. Nên, khi suy nghĩ bài Phúc Âm Lễ Tro, ngày 30 Tết tới này, tôi vẫn coi đây là một cảnh báo quan trọng.

 

Nhu cầu hiện nay.

 

Nếu đây là cảnh báo quan trọng, thì ta nên nhìn nhận hiện tình đạo tại Việt Nam dưới ánh sáng Phúc Âm, nhất là tình hình cộng đoàn của ta.

 

Hiện nay, phần đông đồng bào Việt Nam nói chung và tín hữu Việt Nam nói riêng đều cảm thấy mình đang vác trên mình nhiều gánh nặng. Họ rất muốn tìm được một điểm tựa, để được nghỉ ngơi và được bồi dưỡng. Tìm ở đâu ? Thưa ở Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Lời Chúa trên đây cho thấy ý Chúa : “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” ( Mt 11, 28-29).

 

Chính ở sự Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, mà Người trở nên điểm tựa nơi nghỉ ngơi và nguồn bồi dưỡng cho chúng ta.

 

Nếu Chúa Giêsu ngự trong chúng ta, biến chúng ta cũng nên hiền lành và khiêm nhường, thì hy vọng chúng ta sẽ được nên điểm tựa, nơi nghỉ  ngơi và nguồn bồi dưỡng cho nhiều người xa gần.

 

Hiền lành và khiêm nhường cũng là những đức tính của văn hoá nhân bản và truyền thống dân tộc Việt Nam mà ngày Tết hay đề cao. Con người ta được kể là cao thượng nhờ những đức tính ấy.

 

Với lòng tin, chúng ta đón nhận lời Chúa cảnh báo ngày cuối năm. Nhờ đón nhận lời Chúa cảnh báo đó, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết tìm đến Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Nên nhớ cầu xin ơn đó với tất cả lòng khiêm tốn. Vì, “Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” ( 1 Pr 5, 5).

 

Sau cùng nhân dịp cuối năm ta, tôi xin phép tâm sự về riêng tôi.

 

Năm đang qua là năm Chúa ban cho tôi nhiều hạnh phúc.

 

Hạnh phúc, vì tôi được đón nhận nhiều yêu thương và phục vụ mà các thành phần Nước Trời đã ưu ái dành cho tôi, mặc dầu tôi bất xứng.

 

Hạnh phúc, vì tôi được chia sẻ phần nào nhiều yêu thương và phục vụ, mà Hàng Giáo phẩm Việt Nam đã tận tâm dành cho Dân Chúa và Dân tộc, mặc dầu tôi yếu đuối.

 

 

Hạnh phúc, vì tôi được tham dự vào mầu nhiệm thánh giá, mà Chúa Cứu Thế thường không ngại dành cho các môn đệ Người thương, mặc dầu tôi chỉ là môn đệ hèn hạ.

 

Với lòng khiêm nhường sám hối, tôi xin tạ ơn Chúa muôn đời.

 

 

ĐGM GB Bùi Tuần

 

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế Giới về Người Di Dân và Người Tị Nạn lần thứ 94

 (Ngày 13 tháng Giêng 2008 )

 

 Những Người Di Dân Trẻ

 

Chủ đề của Ngày Thế Giới về Người Di Dân và Người Tị Nạn năm nay mời gọi chúng ta suy tư đặc biệt về những người di dân trẻ. Thực tế là các tin tức hằng ngày thường đề cập đến họ. Tiến trình toàn cầu hoá mở rộng đang diễn ra trên khắp thế giới thúc đẩy nhu cầu chuyển dịch đã lôi cuốn nhiều người trẻ phải di cư và sống xa gia đình và đất nước của họ. Hậu qủa là nhiều khi những người trẻ thủ đắc nguồn tài nguyên trí thức ưu tú nhất lại phải rời bỏ quê hương bản quán của mình, trong khi đó những quốc gia tiếp nhận những người di cư lại áp dụng những luật lệ gắt gao làm cho sự hội nhập của họ vào đời sống thực tế trở nên khó khăn. Thật vậy, hiện tượng di dân càng ngày càng mở rộng, bao gồm một con số càng ngày càng gia tăng những người thuộc mọi thành phần xã hội. Vì vậy, nhiều tổ chức xã hội, tổ chức nhân đạo và cả Giáo Hội Công Giáo đang dành nhiều nguồn trợ giúp cho những người sống trong hoàn cảnh khó khăn này.

 

Đối với những người di dân trẻ, những vấn đề vẫn được gọi là “khó khăn hai mặt” dường như được cảm nhận một cách rất riêng biệt: một mặt họ nhận thấy một nhu cầu mạnh mẽ là không được để mất cội nguồn văn hoá của mình, nhưng mặt khác họ cũng tha thiết mong muốn được hội nhập chặt chẽ vào xã hội tiếp nhận họ, và không muốn vì vậy mà phải chịu đồng hoá cũng như đánh mất truyền thống tổ tiên ông bà. Trong số những người trẻ này, có nhiều thiếu nữ dễ trở thành nạn nhân của sự khai thác bóc lột, nạn nhân của những hình thức hăm dọa về tinh thần, kể cả mọi thứ lạm dụng khác. Vậy thì chúng ta có thể nói gì về những thanh niên, những thiếu niên không được kèm cặp đang tạo nên một lớp người gặp nhiều rủi ro giữa biết bao người đang phải tha phương cầu thực kia? Những thiếu niên nam nữ này kết cục bị đẩy ra nơi phố xá, làm mồi cho những kẻ khai thác bóc lột bất nhân, biến thành nạn nhân của những cuộc bạo hành về thân xác, về tinh thần và tình dục.

 

Tiếp đến, khi nhìn kĩ hơn vào đám người bị bó buộc di cư, tị nạn và những nạn nhân của các cuộc buôn bán người, chúng ta xót xa nhận thấy có nhiều trẻ em và các thiếu niên. Vì thế chúng ta không thể làm thinh trước những hình ảnh thương tâm về những trại tị nạn khổng lồ xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Làm sao chúng ta không nghĩ rằng những sinh linh nhỏ bé đó được sinh ra trong thế gian này cũng có quyền được hưởng hạnh phúc một cách chính đáng như bao người khác? Và đồng thời làm sao chúng ta có thể quên rằng thời thơ ấu và thanh thiếu niên là những giai đoạn quan trọng có tính nền tảng cho sự phát triển một con người trưởng thành, vốn cần một sự ổn định, an hoà và an ổn? Các trẻ em và thanh thiếu niên này chỉ có được kinh nghiệm trường đời là “những trại” cưỡng bức, nơi chúng được tập trung lại một cách lâu dài, cách li khỏi những phố thị có người ở và không được học hành bình thường? Làm sao chúng có thể tin tưởng nhìn về tương lai? Vẫn biết là trong thực tế, người ta đã thực hiện nhiều việc cho chúng, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực dấn thân hơn nữa trong việc tạo ra sự ân cần tiếp đãi và mở rộng cơ cấu đào tạo thích đáng phục vụ chúng.

 

Chính từ cách nhìn này mà vấn đề được nêu ra là: làm thế nào đáp ứng được các mong muốn của những người di dân trẻ? Có thể làm được những gì để giúp ho? Dĩ nhiên, mục tiêu trước nhất là giúp đỡ gia đình và tạo điều kiện học hành. Nhưng hoàn cảnh thật là phức tạp, biết bao khó khăn những người trẻ này phải trực diện trong gia đình cũng như trong bối cảnh học đường! Trong các gia đình, vai trò truyền thống cố cựu của quê hương xứ sở đã bị đổ vỡ, tạo ra sự va chạm mạnh mẽ giữa cha mẹ là những người vẫn còn gắn bó với văn hoá truyền thống và con cái là lớp người mau mắn hội nhập được vào hoàn cảnh xã hội mới. Một cách tương tự, những khó khăn không kém to lớn xảy đến cho những người trẻ được đưa vào các khoá học mở ra tại những nước tiếp nhận họ. Do đó, chính hệ thống giáo dục phải cứu xét các hoàn cảnh của họ để đáp ứng những đường hướng đào tạo hoàn chỉnh thích hợp cho những người trẻ nam nữ di dân này. Những nỗ lực vẫn luôn quan trọng để tạo ra một bầu khí tôn trọng và đối thoại với nhau giữa các học viên trong các lớp học, dựa trên các nguyên tắc và giá trị phổ quát, là điểm chung cho mọi nền văn hoá. Nỗ lực dấn thân của mọi người- thầy giáo, gia đình và các học viên- chắc chắn sẽ giúp cho những người trẻ di dân này đối diện một cách hữu hiệu nhất với thách đố về hội nhập và tạo cho họ khả năng nắm bắt được những gì có thể giúp cho việc đào tạo về nhân bản, văn hoá và chuyên môn. Điều này còn cần hơn nữa cho những người trẻ tị nạn, những người cần đến những chương trình đào tạo thích hợp, cả trong phạm vi học hành cũng như công ăn việc làm, để giúp họ trong những bước chuẩn bị và cung ứng những nền tảng cần thiết để hội nhập thích đáng vào những lãnh vực xã hội, văn hoá và chuyên môn còn mới mẻ.

 

Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến hoàn cảnh của những người di dân và mời gọi những người đã nhận được sự đào tạo Kitô giáo tại quê hương bản quán của họ hãy làm cho gia sản đức tin và các giá trị tin mừng được đơm bông kết trái để trở thành những chứng từ vững chắc trong những hoàn cảnh sống khác nhau. Chính trong vấn đề này mà tôi mời gọi các cộng đồng giáo hội hãy ân cần đón nhận những người trẻ, những thanh thiếu niên và các trẻ em cùng với cha mẹ của chúng, cố gắng cảm thông nỗi thăng trầm của họ và tạo điều kiên cho họ hội nhập.

 

Thêm nữa, trong số những người di dân, như tôi trình bày trong Sứ Điệp năm ngoái, có một thành phần cần phải được quan tâm riêng: đó là các sinh viên từ các nước khác, do nhu cầu học tập, phải xa gia đình. Con số này vẫn không ngừng gia tăng: họ là những người trẻ cần được chăm sóc mục vụ đặc biệt, vì họ không chỉ là sinh viên như những người khác mà còn là những di dân tạm thời. Họ thường cảm thấy cô đơn vì áp lực của việc học hành và thường khi họ cũng bị eo hẹp vì những khó khăn tiền nong. Trong sự quan tâm từ mẫu, Giáo Hội hãy nhìn nhận họ một cách thương mến và nỗ lực vận động những hoạt động mục vụ và xã hội để tận dụng nguồn nhân lực trẻ dồi dào này. Giáo Hội cần giúp họ tìm ra một cách thế hướng đến động năng của việc giao lưu văn hoá hầu được phong phú khi tiếp cận với các sinh viên thuộc các nền văn hoá cũng như tôn giáo khác. Đối với những người trẻ Kitô giáo, sự học tập và kinh nghiệm đào tạo này có thể là một lãnh vực hữu ích cho sự trưởng đức tin, một sự kích thích mở ra với  các trào lưu phổ quát, là một yếu tố làm nên Giáo Hội Công Giáo.

 

Các bạn trẻ di dân quý mến, hãy chuẩn bị cho mình để cùng với những người bạn trẻ trung của các con xây dựng một xã hội công bằng hơn, huynh đệ hơn bằng cách chú tâm và nghiêm chỉnh chu toàn các bổn phận đối với gia đình và Đất Nước của các con. Hãy tôn trọng luật pháp và đừng bao giờ để cho mình bị lôi cuốn vào hận thù và bạo lực. Thay vào đó, các con hãy trở nên những ngừơi đề cao sự cảm thông và tình liên đới, công lí và hoà bình trong thế giới hôm nay. Còn riêng đối với các con là những tín hữu trẻ tuổi, cha mong muốn các con lợi dụng thời gian học tập để thăng tiến về mặt tri thức và về lòng yêu mến Chúa Kitô. Chúa Giêsu muốn các con là những người bạn chân thành của Người, nhưng để được như thế, các con cần phải vun trồng sự gắn bó chặt chẽ với Người bằng việc cầu nguyện không ngừng và sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa. Người muốn các con trở nên nhân chứng cho Người, nhưng để được như vậy, các con cần nỗ lực sống Tin Mừng một cách can đảm và thể hiện điều này bằng những hành động cụ thể là mến Chúa và quảng đại phục vụ các anh chị em sống bên cạnh các con. Giáo Hội cũng cần nhờ các con và đánh giá cao sự đóng góp của các con. Các con có thể nắm giữ một vai trò thật đúng ý Chúa quan phòng trong bối cảnh loan báo Tin Mừng hiện nay. Khi xuất thân từ các nền văn hoá khác nhau, nhưng lại  được liên kết để cùng thuộc về Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô, các con có thể chứng tỏ rằng Tin Mừng luôn sống động và thích hợp cho mọi hoàn cảnh; đó là một sứ địêp cũ nhưng vẫn luôn mới. Đó là lời của niềm hi vọng và ơn cứu chuộc cho mọi dân tộc thuộc mọi chủng tộc và văn hoá, cho mọi kỉ nguyên và thời đại.

 

 Hướng về Đức Maria, Mẹ của toàn thể nhân loại, và hướng về Thánh Giuse, bạn rất mực trinh khiết của Mẹ, cả hai cùng với Chúa Giêsu là những người tị nạn ở nước Ai Cập, cha phó dâng mỗi người các con, gia đình các con, những người chăm sóc cộng đòan đông đảo những người di dân trẻ bằng những phương thế khác nhau, những người thiện nguyện và những người làm mục vụ đang sát cánh với chúng con bằng tấm lòng thiện chí và sự trợ giúp thân tình.

 

Xin Chúa luôn ở gần các con và gia đình các con để các con cùng nhau vượt thắng những trở ngại và các khó khăn vật về chất cũng như tinh thần mà các con gặp phải trên đường đời. Cùng với Phép Lành Tông Toà đặc biệt, cha gửi đến mỗi người các con và những người thân của các con lời cầu chúc tốt đẹp.

 

 Từ Vatican, 18 tháng Mười, 2007

 

 BENEDICTUS PP. XVI

 

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

 

KHAI MẠC TUẦN LỄ DI DÂN TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON


SAIGÒN -- 1g chiều ngày 13 tháng giêng năm 2008, tại nhà thờ Phaolo- Bình Tân Gp. Saigon đã đón tiếp khoảng hơn 2 ngàn bạn trẻ di dân về tham dự ngày quốc tế di dân, mặc cho cái nắng khó chịu giữa Saigon, các đoàn xe bus từ các giáo xứ tấp nập đưa các bạn đến.


1g 30 phút, chương trình khởi động với những bài múa cộng đồng: Con đường Giêsu, tôi chọn Giêsu…làm cho mọi người gần nhau hơn trong tiếng cười tiếng hát và nhất là các bạn được gặp gỡ nhau, được cười với nhau và chia san với nhau bằng những cái xiết tay thân tình …tất cả làm quên đi cái mệt nhọc của những ngày tháng công nhân vất vả trong thời điểm cuối năm chỉ biết tăng ca, tăng ca và tăng ca.


Năm nay ngoài những giáo xứ đã có những hoạt động di dân “lão làng” như Phaolo, Xuân Hiệp, Khiết Tâm, Tam Hải, Thạch Đà còn có sự góp mặt của các giáo xứ như: Thánh Gẫm, Tân Phú, Phú Trung, Tam Hà, Phú Xuân, Văn Côi, Tân Châu, Mẫu Tâm, Nữ Vương Hoà Bình, Tân Việt, Tân Thái Sơn, Ninh phát, Thiên Ân, Gò Mây, Tân Hương, Long Thạnh Mỹ, Nhân Hoà, Hy Vọng, Đắc Lộ…


Theo báo cáo của ban Mục Vụ Di Dân năm nay, các sinh hoạt theo cấp giáo phận như sinh hoạt đại hội mục Vụ di dân, các trại họp mặt và tổ chức tuần lễ di dân đã diễn ra cách tốt đẹp; theo cấp giáo hạt: Các hạt Thủ Đức, Phú Trung, Tân Sơn Nhì và Xóm Mới đã có những hoạt động mục vụ hữu thiết cho anh chị em di dân.Tại các giáo xứ và các Dòng tu cũng có những hoạt động thiết thực khác giúp cho anh chị em di dân hoà nhập vào đời sống của cộng đoàn.


Chủ đề của tuần lễ di dân được lấy theo thư chung của HĐGM Việt Nam và sứ điệp của ĐGH Bêndicto nhân ngày quốc tế di dân và tỵ nạn là: Người trẻ di dân bước đi trong tình yêu và chân lý.


Khai mạc chương trình, đội trống di dân của Tam Hải đã làm cho bầu khí sôi động hơn, rộn rã hơn. Khác với mọi năm, Cha Paul Phạm Trung Dong đã mời tất cả quý linh mục, quý Thầy và quý Soeur cùng lên sân khấu để khai mạc cho ngày quốc tế di dân. Cha nói: Các bạn đã về đây trong tình yêu thương và sẻ chia. Xin tạ ơn Thiên Chúa qua sự quan tâm của ĐHY, quý tu sĩ và quý ân nhân. Và cha nói tiếp: “ Chúng tôi xin tuyên bố ngày khai mạc tuần lễ quốc tế di dân bắt đầu”, (Vâng, chúng tôi chứ không phải là tôi ). Những tràng pháo tay giòn giã đầy niềm vui của anh chị em công nhân vang lên đáp lại lời khai mạc dễ thương này.


Với 19 tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, có múa, có đơn ca, song ca…đủ mọi thể loại của các anh chị em di dân thuộc nhiều giáo xứ đóng góp đã làm cho ngày họp mặt trở nên ấm cúng hơn. Thêm vào đó là sự hiện diện của ca sĩ Gia Ân đến góp vui hai bài hát cùng các bạn công nhân. Quà tặng nhau sau mỗi bài hát không phải là những bó hoa rực rỡ, nhưng là những trái bong bóng đủ màu được các bạn khán giả nhiệt tình đem lên sân khấu. Mỗi tiết mục có những đặc sắc riêng, đặc sắc đây không phải là vũ đạo đẹp, hát hay, múa đẹp nhưng đó là những cố gắng của các bạn công nhân sau những giờ tăng ca 9, 10giờ đêm vẫn đến nhà trọ của nhau tập múa, đặc sắc là những em bé trong các lớp tình thương sau những giờ bán vé số, đánh giày lại túm tụm gọi nhau đi tập…đó là những giọt mồ hôi của sự cống hiến, của một mong muốn làm cho ngày họp mặt trở nên ý nghĩa hơn.


Trước thánh lễ, cha Tổng Đại diện G. B Huỳnh Công Minh, cha thư ký UBGM về di dân, cha giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Công Giáo và quý cha đã gặp gỡ và trò chuyện với các bạn. Thay mặt cho ĐHY, Đức cha phụ tá và các cha, cha Tổng đại diện đã nói lên sự cảm thông với những vất vả mà anh chị em công nhân gặp phải. Ngài rất vui khi thấy bầu khí ngày họp mặt ấm cúng, vui tươi và trẻ trung. Ngài nói tiếp: “ Thiên Chúa rất mực yêu thương các con, Người không bao giờ muốn để các con khổ hay vất vả, Ngài có thể làm cho các con sung sướng, nhưng Ngài muốn để cho những anh chị em có đời sống khá giả hơn nâng đỡ các con và để chính các con cũng biết nâng đỡ anh chị em khác”.


Trong bài giảng, cha Phêrô Nguyễn Khảm đã cho anh chị em thấy sự liên đới và tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa người Kitô hữu và Giáo Hội và giữa chúng ta với nhau. Bằng những hình ảnh và những câu chuyện đơn giản, cha đã làm cho gần 3 ngàn người tham dự thánh lễ hiêủ được biến cố chịu phép rửa của Đức Giêsu là biến cố Thiên Chúa đã đi vào lòng nhân loại, cùng liên đới với phận người trong những nỗi đau cùng tận nhất. Riêng anh chị em xa quê với những cô đơn lạc lõng giữa môi trường xa lạ, hoang mang không cảm thấy an toàn, thiếu vắng đời sống tinh thần, chúng ta hãy liên đới với nhau để vượt qua những cám dỗ, vượt qua những tệ nạn, vựot qua những lạc lõng cô đơn. Kết thúc bài giảng, cha mời cộng đoàn cùng chung lời hát bài ca Kinh Hoà Bình, tất cả như cùng hoà nhịp trong tình hiệp thông liên đới để mọi người trở nên khí cụ bình an trong tay Chúa.


Xin mượn lời giảng của cha giám đốc trung tâm mục vụ để kết cho bài viết này: Khung cảnh các bạn khắp nơi trên mọi miền đất nước: Bắc Trung- Nam quy tụ về đây là hình ảnh rất đẹp. ước mong liên đới không chỉ hôm nay, tuần nay mà sự liên đới sẽ trải dài trong suốt cuộc đời mỗi anh chị em.


Xin hẹn anh chị em di dân trong ngày 20 tháng Giêng kết thúc tại giáo xứ Xuân Hiệp, những cánh tay trong hàng chục chiếc xe bus cố đưa thật dài vẫy chào và hẹn nhau. Chúc các bạn mỗi ngày bước vững vàng hơn trong Tình Yêu và Chân Lý.

 

Sr Minh Nguyên

Mục lục

 

 

Giáo phận này luôn mở rộng vòng tay và con tim để đón tiếp các bạn

 

Nhân ngày Quốc tế Di dân, Nữ tu Minh Nguyên có dịp nói truyện với Linh mục Trưởng Ban Mục Vụ Di Dân Saigòn, cha Phaolo Phạm Trung Dong và phỏng vấn ngài về hiện tình mục vụ cho người Di dân trong tổng giáo phận như sau:


Thưa Cha, sắp đến tuần lễ quốc tế di dân Tổng Giáo phận Saigon có những hoạt động gì ạ?


Ngày 13/01/2008 là ngày Quốc tế Di dân, Giáo phận Saigòn chúng ta không những tổ chức ngày Quốc Tế Di Dân, mà còn tổ chức cả tuần lễ di dân trong Giáo phận. Tuần lễ này được khai mạc vào chính ngày Quốc Tế Di Dân do Cha Tổng Đại Diện Giáo phận đến gặp gỡ, chia sẻ và dâng Thánh Lễ cho các bạn di dân tại Giáo xứ Thánh Phaolô Quận Bình Tân. Ngày bế mạc chính Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục Giáo phận, Chủ tịch Ủy Ban Mục vụ Di dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ đến gặp gỡ, chia sẻ và dâng Thánh lễ bế mạc tuần lễ di dân trong Giáo phận. Trong tuần, các Giáo xứ hoặc cộng đòan có đông anh chị em di dân sẽ tổ chức tĩnh tâm, chầu Thánh Thể, cầu nguyện Taizé, học hỏi sứ điệp ngày Quốc tế di dân chủ đề "Người di dân trẻ" của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI. Anh chị em cũng gặp gỡ nhau, chia sẻ, cầu nguyện tại Nhà thờ hoặc tại các phòng trọ. Đi gặp gỡ, mời gọi các bạn chưa tham gia vào các sinh họat để mời gọi họ, các bạn cũng có thể thực hiện vài công tác Bác ái Xã hội, thi đấu thể thao, tham quan.. . Chúng tôi sẽ tổng kết những sinh họat vào ngày 20/01/2008 trình Đức Hồng Y để Ngài có thể khen thưởng, khuyến khích những Giáo xứ hoặc cộng đòan có những sinh họat tích cực trong tuần lễ di dân này.


Để chuẩn bị cho tuần lễ này, Ban Mục vụ Di dân Giáo phận và các Giáo xứ đã có những dự bị và phân chia công tác rất rõ rệt. Chúng tôi đã gởi khỏang 200 thư mời đến các Giáo xứ và Dòng tu có đông anh chị em di dân để xin các Cha Sở và các Bề trên cho phép và tạo điều kiện cho các em tích cực tham gia tuần lễ di dân. Chúng tôi cũng xin các cộng đòan thêm lời cầu nguyện cho tuần lễ này. Chúng tôi cũng đã dự bị một số đĩa nhạc Thánh ca hát trong dịp này, một số đĩa sinh họat và vũ điệu, in các bài hát gởi đến các Giáo xứ và cộng đòan có đông anh chị em di dân để dự bị cho những sinh họat chung trong tuần lễ này.


Riêng hai cộng đòan Phaolô và Xuân Hiệp đăng cai ngày khai mạc và bế mạc, các em di dân cùng các thầy, các nữ tu, quý chức và các đòan thể rất phấn khởi và tích cực dự bị đón tuần lễ này. Các nơi cũng hưởng ứng nhiệt tình, các Cha và các Bề trên rất khuyến khích, như hạt Thủ Đức sẽ tham dự với khoảng 8 xe bus lớn, Thủ Thiêm 2 xe. Hạt Tân Sơn Nhì các Giáo xứ hứa sẽ có mặt đầy đủ, có xứ 2 xe, có xứ 1 xe.. . Riêng Giáo xứ Phaolô ngoài việc cầu nguyện cho ngày lễ, các em tập văn nghệ, những bài ca sinh họat, vệ sinh khuôn viên nhà thờ, chia công tác tiếp đón, các em di dân còn cùng nhau lo cà phê, trà đá, bánh ngọt và 2.500 phần ăn tối chờ các bạn về họp mặt.


Thưa cha, hiện nay số di dân công giáo tại Tổng Gp. Saigon là bao nhiêu?


Thành phố chúng ta có 8 triệu dân, trong đó theo báo chí, có 2 triệu di dân. Như vậy tính theo bình quân cả nước, người Công giáo có 7%, thì con số lên tới 140.000 người di dân Công giáo. Con số này không ổn định, vì anh chị em di dân thay đổi chỗ ở luôn tùy theo việc làm, lương bổng, điều kiện sinh họat, vật giá và hòan cảnh riêng từng người. Chúng tôi biết chắc số anh chị em di dân Công giáo ở thành phố chúng ta rất đông, hạt Tân Sơn Nhì có khoảng 36 ngàn, hạt Thủ Đức khoảng 40 ngàn. 13 Giáo hạt còn lại, Giáo hạt nào cũng có, vì anh chị em di dân có mặt khắp thành phố.


Vậy thưa Cha anh chị em di dân có nơi sinh hoạt chung không ạ ?


Các anh chị em di dân cũng có những sinh họat chung như: Cắm trại họp mặt, thi đấu thể thao, tĩnh tâm chung, sinh họat chung.. . Những địa điểm đón tiếp các xứ bạn như Khiết Tâm, Xuân Hiệp, Phú Trung, Thiên Ân, Long Thạnh Mỹ, Phaolô, Nữ Vương Hòa Bình.. . Nhưng họat động chung lớn nhất là Đại Hội Mục Vụ Di ân và Tuần lễ Di dân của Giáo phận.


Xin Cha cho quý độc giả biết, hiện nay có bao nhiêu giáo xứ trong Giáo phận có chương trình dành riêng cho anh chị em di dân?


Hiện nay có khoảng 30 Giáo xứ và cộng đòan có Thánh lễ, ca đòan, các lớp giáo lý, học hỏi Thánh kinh dành riêng cho anh chị em di dân.


Thưa Cha làm thế nào để các giáo xứ, nơi có số lượng lớn anh chị em di dân tập trung, có những hoạt động dành riêng cho những anh chị em này?


Trách nhiệm và con tim của các vị mục tử, các tu sĩ, giáo chức và cộng đòan trước hoàn cảnh đặc biệt của anh chị em di dân sẽ dẫn đến những họat động cụ thể để giúp đỡ các anh chị em. Sự có mặt và những đóng góp của anh chị em ngày càng tăng thêm sinh động và phát triển ở các cộng đoàn mà anh chị em hiện diện. Ở nhiều Giáo xứ dịp lễ, tết các anh chị em về quê, Nhà thờ trống vắng hẳn. Hơn nữa, các anh chị em này là những thành phần trẻ, năng động, có nhiều tài năng. Một số là tinh hoa của các xứ đạo quê nhà, các anh chị em sẵn sàng cống hiến để làm phát triển Giáo hội địa phương nơi họ đến. Các yếu tố này giúp các xứ đạo và cộng đoàn gia tăng những sinh họat mục vụ di dân trong Giáo phận.


Thưa Cha, nếu phải nói với anh chị em di dân trong ngày quốc tế di dân, cha sẽ nói gì ạ?


Tôi sẽ nói với các bạn trong ngày Quốc tế Di dân: Các bạn được Giáo hội yêu thương và chăm sóc. Đức Thánh Cha đã ưu ái gởi sứ điệp "Người di dân trẻ" cho các bạn. Giáo phận này cũng luôn ưu ái quan tâm, phục vụ và đồng hành với các bạn. Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục Giáo phận luôn thúc nhắc chung cũng như riêng đến các Giáo xứ, cộng đoàn chăm lo cho các bạn. Chính Ngài luôn có mặt gặp gỡ và chia sẻ trong các đại hội, ngày Quốc tế Di dân, Tuần lễ di dân. Ngài thường xuyên gặp gỡ ban Mục vụ

Di dân để hướng dẫn trong các sinh họat. Ngài gởi nhiều Linh mục, tu sĩ và đoàn thể đến giúp đỡ các bạn.

Các Giáo xứ và cộng đoàn của Giáo phận này luôn mở rộng vòng tay và con tim để đón tiếp các bạn. Các bạn hãy đón nhận tình thương này, cùng hòa nhập với những sinh họat đạo đức của Giáo phận thành phố để phát triển đời sống đức tin và xây dựng Giáo Hội Việt Nam.


Con xin cảm ơn Cha về những chia sẻ sống động này, nhờ đó mọi người sẽ được hiệp thông với những hoạt động của Ban mục vụ di dân. Kính chúc Cha và Ban Mục Vụ Di Dân Tổng Gp. Saigon luôn mạnh khoẻ, bình an và đầy tình thương mến trong Thiên Chúa. Xin cho những hoạt động trong tuần lễ Di Dân của Giáo phận đem lại cho anh chị em di dân nhiều niềm vui và hạnh phúc.


Cám ơn Soeur đã ưu ái dành tình cảm cho anh chị em di dân, xin cầu nguyện cho Tuần lễ di dân này.

 

Sr Minh Nguyên

Mục lục

 

Khánh thành Nhà Giáo Lí giáo xứ Tân Đông, Saigòn

 

Sáng thứ bảy ngày 12/01/2008, tôi trở lại giáo xứ Tân Đông, Hốc Môn, Sài Gòn, lần thứ ba theo lời mời của cha chính xứ Giuse Phạm Quốc Tuấn. Tôi muốn ghi lại cảm nhận của mình thành một bài viết hơn là viết một bản tin.


Lần thứ nhất tôi đến đây, nhà thờ của giáo họ Tân Đông, thuộc giáo xứ Tân Qui có cái sân còn đầy cỏ, hàng rào kẽm gai bao quanh chỗ thẳng chỗ nghiêng, cha xứ trẻ lo lắng vì những bề bộn của một giáo xứ không có linh mục thường trú.


Lần thứ hai, giáo xứ thánh hiến bàn thờ và mừng tháp chuông mới, tôi đã thấy cộng đoàn này đầy sức sống mới, hân hoan, nhiều cánh tay trẻ đã chung sức cùng cha và Ban Hành Giáo.


Lần thứ ba này, giáo xứ khánh thành Nhà Giáo Lý và hoàn tất việc trùng tu thánh đường. Cũng đoàn rước, dâng thánh lễ, tiệc tùng, văn nghệ, nhưng sao những suy nghĩ của tôi có khác.


Nhà Giáo Lý được xây bên cánh trái nhà thờ, lùi hẳn vào phía bên trong, làm cho khoảng không gian rộng của cái sân nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn. Điều đó thật tuyệt vời! Đối với tôi, thánh đường cần một khoảng không gian rộng rãi tối thiểu bao quanh, tách rời cái ồn ào xô bồ vốn có của một khu vực dân cư. Cái khoảng không gian ấy dễ làm cho người giáo dân “nâng tâm hồn lên” và gặp gỡ Chúa trong thanh tịnh. Tiếc rằng có nhiều nơi, sân nhà thờ càng lúc càng thu hẹp lại, theo cách thiết kế từ những suy nghĩ rất riêng.


Nhà Giáo Lý của giáo xứ Tân Đông được xây dựng trên diện tích 600 mét vuông, xây thành ba tầng, được 12 phòng học, 1 phòng sinh hoạt, 1 phòng dành cho Hội Đồng Mục Vụ, trong khoảng thời gian là 7 tháng. Với số thiếu nhi là gần 500 em, Nhà Giáo Lý sẽ đáp ứng được nhu cầu học giáo lý và cả sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể trong giáo xứ.


Việc đại tu thánh đường hoàn tất song song với những sinh hoạt tinh thần của giáo dân, được thăng tiến từ khi có linh mục trẻ chăm sóc, làm cho việc chung tay xây dựng cộng đoàn dân Chúa trở nên có ý nghĩa nhất định.


Cha chính xứ còn cho biết, số tiền để nâng cấp cơ sở vật chất nhà thờ cho cộng đoàn là do nhiều vị ân nhân trong và ngoài nước trợ giúp, nhất là những cộng đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các lần cha chính xứ được mời sang tĩnh tâm dịp mùa chay, mùa vọng.


Cha xứ còn biết làm cho các đoàn thể trong xứ được duy trì sinh động bằng cách phân chia công việc bác ái như thăm bệnh nhân, phát gạo, sửa lại nhà cho một số người, giúp đỡ người không Công giáo quanh khu vực.


Rõ ràng Chúa đã đến viếng thăm cộng đoàn Tân Đông này thì phải; vì


Việc thay da đổi thịt của giáo xứ theo cùng nhịp đô thị hóa đang dâng lên, tôi thấy có ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Gia-kêu mà trong thánh lễ được vị chủ tế triển khai.


Đó là cuộc gặp đầy tính thân thiện, làm sáng lên một niềm hy vọng trong cuộc đời Gia-kêu; thay đổi đời sống của một con người đang sống bất công và lỗi bác ái; một thứ tình thân được thiết lập chứa đựng đầy tình người.


Đó là cuộc gặp gỡ mang một sáng kiến yêu thương. Chúa Giêsu chọn một địa chỉ. Địa chỉ của ông Gia-kêu thì đáng ngờ về bác ái và công bình. Nhưng Chúa vẫn dừng chân để dùng tiệc. Cỗ bàn không phải là điều gì lạ mà là một đầu mối để thay đổi cuộc đời, tâm hồn Gia-kêu.


Đó là lần gặp gỡ làm cho cuộc đời ông mở ra những nẻo đường mới, nẻo đường của tâm tình, nẻo đường của cách sống. Cuối tiệc, ông tuyên bố sẽ xa rời cách sống lỗi đức công bằng. Điều đó dẫn ông đến con đường nhận ơn cứu độ. Đây mới chính là đỉnh cao của cuộc gặp gỡ.


Tàn tiệc, tôi ra về trong cái nắng oi bức, khô bụi và hơi xăng của đường phố Sài Gòn, song lòng tôi vẫn thấy vui vì một địa chỉ của Giáo Hội Việt Nam tràn ngập sức sống mới. Ước gì có nhiều linh mục trẻ, cống hiến hết sức trẻ của mình nơi những địa chỉ của vùng ven đô, vùng sâu vùng xa, để nỗ lực cho nhiều con người được gặp gỡ Chúa, thay đổi đời sống của mình.

 

Maria Vũ Loan

Mục lục

 

 

TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT



 

Thời gian: 07-11/01/2008


Chủ đề: NHÌN LẠI ĐỜI SỐNG LINH MỤC


Giảng phòng: Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Hải Phòng.


Giáo phận Phan thiết tổ chức tuần tĩnh tâm cho các linh mục từ ngày đầu năm mới.


Với dãy nhà tĩnh tâm mới khánh thành ngày 1.1.2008, Toà giám mục có đầy đủ phòng cho các cha về dự tĩnh tâm. Khuôn viên thoáng mát, rộng rãi, có núi Đức Mẹ Tàpao, tiếng róc rách của dòng suối chảy, màu xanh của cây cảnh vườn cỏ, tất cả đã tạo nên một bầu khí nhẹ nhàng tỉnh lặng thích hợp cho tâm tình cầu nguyện.


Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, chủ toạ và giảng lễ mỗi ngày.


Có 80 linh mục tham dự. Đức Cha Nicola dù tuổi cao, sức khoẻ sa sút, nhưng đã hiện diện một đôi lần, thăm hỏi các linh mục.


Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa, Tổng đại diện, thay mặt linh đoàn giáo phận chào và cám ơn 2 Đức cha. Đức Cha Giuse đến từ Hải phòng, thành phố hoa phượng, thành phố cảng. Hai giáo phận có những nét tương đồng tạo nên nhịp cầu giao lưu trong tình hiệp thông Hải phòng - Phan thiết, hai giáo phận gần biển, quanh năm nghe sóng biển rì rào, con người miền biển vốn đơn sơ hiền hoà.


Cám ơn Đức cha Phaolô đã lo lắng cho đời sống tâm linh của các linh mục. Tổ chức tuần tĩnh tâm là bảo vệ và thăng tiến đời sống thiêng liêng các linh mục, cũng cố và phát huy tình nghĩa anh em linh mục. Tĩnh tâm năm là độ dài thời gian giúp anh em cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ nhau, đồng thời định hướng những sinh hoạt trong giáo phận trong công tác truyền giáo.


Cám ơn Đức Cha Giuse đã nhận lời mời đến giúp giảng phòng. Đường xá rất xa nhưng Đức Cha đã nhiệt thành đến giúp linh mục đoàn Phan thiết.


ĐGM ban huấn từ khai mạc: Chúa Giêsu tĩnh tâm 40 ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng. Là Con Thiên Chúa thông biết mọi sự nhưng khi vào trần thế, Chúa Giêsu cũng dành thời gian dài tĩnh tâm.


Linh mục Tĩnh tâm với Chúa là vào sa mạc, tìm lại thánh ý Chúa để luôn trung thành trong sứ vụ.


Tuần tĩnh tâm là thời gian tạ ơn Chúa, dâng lên Chúa những kết quả, những công lao, những khó khăn trong công tác mục vụ một năm qua đồng thời sống tâm tình cầu nguyện sốt mến.



Tĩnh tâm là vào sa mạc, là thời gian thánh, mọi công việc được xếp qua một bên, đặt mình trước sự hiện hiện của Chúa, rà soát lại bản thân. Cần sự thinh lặng, riêng tư và cầu nguyện.


Mục đích của tĩnh tâm là: tăng cường đời sống thiêng liêng, tháp nhập con người linh mục vào Chúa Kitô và kiện toàn đời sống phục vụ trong yêu thương.


Để có hiệu quả: Cần dành mọi thời giờ để gặp Chúa, Nghiêm chỉnh giữ kỷ luật.


Thừa tác vụ linh mục là thừa tác vụ thánh được đón nhận từ Chúa Kitô: Như Cha đã sai Thầy, thầy cũng sai anh em…Thầy đã chọn anh em và sai anh em ra đi để anh em mang lại hoa trái…Công tác mục vụ của linh mục là phục vụ vì lý tưởng Tin mừng, công việc phục vụ luôn gắn bó với Chúa Kitô


Tuần tĩnh tâm là thời gian sống tình hiệp thông cao độ nhất. Hiệp thông với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện và hiệp thông với anh em qua chia sẽ kinh nghiệm mục vụ.Vì thế Đức Giám mục đã mời gọi các linh mục hãy cố gắng giữ sự thinh lặng tuyệt đối trong các giờ xét gẫm để cầu nguyện và để xét mình.

Giờ Thánh mỗi tối do các Cha Hạt Trưởng chủ sự và suy niệm trước Thánh Thể. Nội dung bao gồm các chủ đề: Linh Mục và quản trị giáo xứ, linh mục và giáo dục đức tin, linh mục và phục vụ Lời Chúa, linh mục và Truyền Giáo.


Đức Ông Tổng đại diện giúp nguyện gẫm sau kinh sáng mỗi ngày. Những gợi ý giúp suy gẫm về cuộc sống linh mục cần có sự tĩnh lặng, sống thánh thiện và thực thi bác ái mục tử. Ý nguyện ngày 10/1 nhớ đến các linh mục đã qua đời.


Chương trình các ngày tĩnh tâm đầy ắp sinh hoạt đạo đức:


Ban sáng: Kinh Sáng, Nguyện Gẫm, Thánh Lễ, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm.


Ban trưa: Kinh Sách, Lần Chuỗi


Ban chiều: Kinh Trưa, Bài Giảng, Thinh Lặng Xét Gẫm, Kinh Chiều.


Ban tối: Chầu Thánh Thể, Kinh Tối.


Các Linh mục tham dự tuần tĩnh tâm thật sốt mến trong các giờ đạo đức, chăm chú lắng nghe các giờ giảng bài, thinh lặng cầu nguyện xét mình trong các giờ riêng tư, trao đổi kinh nghiệm mục vụ trong các giờ giải lao.


Đức Cha Giảng Phòng trình bày lưu loát, hấp dẫn. Nhìn lên Đức Giêsu với 6 nét chân dung như 6 viên ngọc quý kết thành chuỗi ngọc quy chiếu về Đức Giêsu. Ngài minh hoạ bằng những câu chuyện đời thường, dí dỏm tạo bầu khí vui tươi thoảI mái.


Từ lời mời gọi của Chúa Giêsu: ”Hãy vào nơi thanh vắng nghĩ ngơi đôi chút”


Từ lời Thánh Phaolô nhắn gởi môn đệ Timôthêô: “ Hãy khơi dậy đặc sủng Thiên Chúa, đặc sủng mà con đã nhận được do việc đặt tay của cha”; Đức cha giảng phòng với 6 bài giảng đã giúp các linh mục nhìn lên Chúa Giêsu để nhìn lại chính mình.


Nhìn lên Đức Giêsu như là nhà giảng thuyết để linh mục soi mình trong sứ vụ loan báo Lời Chúa. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng tự khiêm tự hạ, linh mục sống lời mời gọi từ bỏ. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, linh mục ý thức rằng mình là người được sai đi. Nhìn lên Đức Giêsu từng trải qua các cơn cám dỗ để linh mục sống với những thách đố hôm nay. Nhìn lên Đức Giêsu, một ngôn sứ vĩ đại, linh mục luôn trở nên con người đối thoại. Nhìn lên Đức Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, linh mục với sứ mạng nên Thánh hàng ngày.


Cuối tuần, Đức cha giảng phòng gởi đến mỗi cha tập tài liệu các bài giảng. Về nhà đọc lại và suy gẫm thêm.


Ngày cuối tuần tĩnh tâm, thánh lễ đồng tế tại Nhà thờ chính toà với tâm tình tạ ơn Chúa.


Tuần tĩnh tâm giúp nhiều ơn ích thiêng liêng cho các linh mục. Trở về lại giáo xứ với công việc mục vụ, linh mục luôn nhìn lên Chúa Giêsu, chiêm ngắm những chân dung sống động của Chúa, sống những gì đã nghe Chúa nói, sống những gì đã cầu nguyện.


Dân Chúa bước vào năm Giáo dục Kitô giáo. Mỗi giáo xứ tổ chức học tập Thư Chung. Linh mục nhìn lên Chúa Giêsu, nhà giáo dục vĩ đại nhất để noi gương hầu có thể trở nên nhà giáo dục đức tin gương mẫu.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Mục lục

Gia đình Gioan mừng thọ
Đức Hồng Y Phaolô
Giuse Phạm Đình Tụng

 

 

Sáng ngày 10.01.2007 Gia đình Gioan đã tổ chức lễ mừng thượng thọ Đức Hồng Y Giuse Phạm Đình Tụng tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Thánh lễ kết thúc bằng một buổi cầu nguyện đông đảo và bất ngờ trên phố Nhà Chung trước Tòa Khâm Sứ.

Gia đình Gioan gồm khoảng 200 thành viên là cựu chủng sinh của Tiểu Chủng viện Gioan Hà Nội, một Tiểu Chủng viện Liên Giáo phận ở Miền Bắc bao gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa.

Chủng viện này được mở trong những năm 1955-1960 do Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng làm Giám Đốc. Năm 1960, Bản quyền Giáo phận Hà Nội đã đóng cửa Tiểu chủng viện này vì nhiều lý do khác nhau.

Các chủng sinh về lại giáo phận của mình. Người lập gia đình, người vẫn giữ lý tưởng tu trì. Có rất nhiều người xuất thân từ Tiểu Chủng viện này đã phải nếm cảnh tù đầy hay bị phiền nhiễu. Đến nay, người trẻ nhất cũng đã 60 tuổi. Ai còn đi tu, nay hầu hết đã làm linh mục. Ai lập gia đình thì hầu hết cũng đã có con cháu.

Trong những thập niên khó khăn vừa qua, cũng như hiện nay, các thành viên Gia đình Gioan, nếu còn tu, thì thường là các linh mục đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, nếu đã lập gia đình thì thường là những chiến sĩ đạo đức nhiệt thành trong các lãnh vực kinh tế, văn hóa, tông đồ, bác ái, góp phần rất đắc lực trong việc xây dựng Giáo Hội.

Các thành viên trong gia đình Gioan hiện nay cư trú khắp mọi miền đất nước. Hằng năm trong ngày truyền thống các thành viên trong gia đình cùng con cái cháu chắt trong gia đình linh tông và huyết tộc tụ họp về Hà Nội quây quần quanh người cha chung của mình để ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào thuở xưa và để hun đúc tinh thần tông đồ. Hiếm có nhóm giáo sĩ và giáo dân nào ở Miền Bắc kính mến Đức Hồng Y cho bằng những thành viên trong Gia đình Gioan.

Năm nay Gia đình Gioan đã tổ chức mừng thượng thọ vị cha chung của mình là Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng-Vị Giám đốc đầu tiên và cũng là cuối cùng của Tiểu Chủng viện này, nhân dịp ngài 90 năm tuổi đời, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục và 15 năm hồng y.

Thánh lễ diễn ra trọng thể tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội với sự tham dự của hơn 1000 giáo dân mà hầu hết là các thành viên, con cháu và khách mời của các thành viên Gia đình Gioan.

Thánh lễ do Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục chủ tế. Cùng đồng tế còn có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt, Chủ tịch HĐGM VN, Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch UB Bác ái Xã hội của HĐGM VN và khoảng 50 linh mục thuộc nhiều Giáo phận khác nhau ở Miền Bắc.

Thánh lễ kết thúc bằng một buổi cầu nguyện bên Tòa Khâm Sứ và một bữa cơm gia đình cùng những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại khuôn viên Đại Chủng viện và Trung tâm Mục vụ của Giáo xứ Chính Tòa./.

Hà Nội 10.01.2007

VÀI NIÊN BIỂU VỀ QUÁ TRÌNH PHỤC VỤ CỦA
ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ-GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG

 20.05.1919 Sinh tại Cầu Mễ, Yên Thắng, Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
1927-1929 Theo linh mục nghĩa phụ Phêrô Phạm Bá Trực lên học tại Hà Nội
1929-1931 Được gọi vào Trường Tập ở 40 Phố Nhà Chung, Hà Nội
1931-1940 Được gọi vào Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Tây
1940-1945 Được gọi vào Đại Chủng viện Liễu Giai, Hà Nội
1945-1948 Nghỉ học do Đại Chủng viện phải đóng cửa
1948-1949 Học thần học tại Học viện Thánh Anphongsô, Hà Nội
06.06.1949 Thụ phong linh mục tại Hà Nội
1949-1950  Phục vụ tại Cô Nhi Viện Têrêxa Hà Nội
1950-1955  Phó xứ Hàm Long & Phụ trách Trung Tâm Bác Ái Bạch Mai
1955-1960 Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan Hà Nội
15.08.1963  Thụ phong Giám mục tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội
1963-1994  Giám mục Chính Tòa Bắc Ninh

1963 Sáng lập Tu hội Đức Mẹ Hiệp Nhất
1990-1994 Giám quản Giáo phận Hà Nội
26.11.2994 Nhận tước Hồng Y tại Rôma

1996 Sáng lập Tu hội Anh Em Nhà Chúa nay là Tu Đoàn Truyền Tin Hà Nội

1998-1999 Giám quản Giáo phận Lạng Sơn

1995-2001 Chủ tịch HĐGM Việt Nam
1994-2003  Hồng Y- Tổng Giám Mục Hà Nội
2003-2008 Nghỉ hưu tại Tòa TGM Hà Nội


 

Mục lục

 

Triển lãm « THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS tại Á Châu 350 năm lịch sử và mạo hiểm : 1658-2008

từ 08/01 đến 15/03/2008 tại 128, rue du Bac, PARIS

 

Thứ ba ngày 08 tháng 01 năm 08 vừa qua, hồi 11 giờ, lễ Khai mạc triển lãm về đề tài « Các Sở Thừa Sai Hải Ngoại Paris ở Á Châu : 350 năm lịch sử và mạo hiểm », do Cha Gérard MOSSAY, giám đốc Văn Khố và các cộng sự viên thực hiện, đã được long trọng cử hành tại Chủng Viện Thừa Sai, 128 rue du Bac, 75007 Paris.  

Năm phòng đã được thực hiện và mở cửa. Ðó là những phòng sau đây :

- Hầm dưới nhà nguyện, về 23 thánh thừa sai hải ngoại Paris, đã được phúc tử đạo ở Viêt Nam, Ðại Hàn và Trung Hoa ;

- Phòng các Vị Tử Ðạo, về kỷ vật của các thừa sai khi xưa, đặc biệt của các vị tử đạo ;

- Phòng François PALLU, về 5 nước Việt Nam, Lào, Cao Mên, Thái Lan và Miến Ðiện

- Phòng Lambert de LA MOTTE, về các nước Ấn Ðộ, Nam Ðương, Mã Lai, Ðại Hàn, Nhật, Trung Hoa, Ðài Loan và Madagascar

- Phòng COTOLENDI, về các công trình mà các thừa sai đã đóng góp vào Á Châu về các khoa học tự nhiên, sáng tác dịch thuật, in ấn xuất bản

Tất cả năm phòng triển lãm đều mở cửa từ thứ ba 08 tháng 01 cho đến hết ngày 15 tháng 03 năm 2008, và mở cửa sáu ngày trong tuần, từ thứ ba đến chủ nhật, từ 14 đến 18 giờ, để đón khách thập phương.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 1. Những đóng góp văn hoá, nghệ thuật, khoa học và kinh tế của các thừa sai cho Á Châu

Năm phòng triển lãm đã được thiết kế theo hai nhóm đóng góp của các thừa sai hải ngoại Paris cho Á Châu :

·        Nhóm tôn giáo và thiêng liêng, đặc biệt trình bày những đóng góp của các thừa sai hải ngoại Paris vào việc xây dựng các giáo hội địa phương và việc sống và làm chứng các giá trị thiêng liêng. Những đóng góp này được triển lãm trong hai phòng : phòng hầm dưới nhà nguyện Hiển Linh và phòng Các Vị Tử Ðạo.

·        Nhóm văn hoá, nghệ thuật, khoa học và kinh tế đặc biệt trưng bày những đóng góp của các thừa sai trong những lãnh vực xã hội trần thế, như ngôn ngữ, văn hóa, nghiên cứu, khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Chúng được trưng bày trong ba phòng triển lãm Á Châu : phòng François Pallu, phòng Pierre Lambert de La Motte và phòng Ignace Cotolendi. 

Sau đây, xin mời bạn đọc đi xem nhanh ba phòng triển lãm Á Châu, rồi dừng lại tỷ mỷ hơn ở những căn trưng bày về văn hoá việt nam

Qua cổng vào, số 128, rue du Bac, 76007 Paris, một sân nhỏ rộng cỡ 200 m2 mở ra. Trước mặt là Nhà nguyện Hiển Linh. Phía trái là nhà sách phía đường Babylone. Phía phải là một phòng tiếp khách nhỏ. Giữa phòng tiếp khách và Nhà nguyện Hiển Linh, một cổng sắt dẫn vào không gian thứ hai với một vườn nhỏ, có đường dẫn đến nhiều dẫy nhà nhiều tầng cuốn quyện vào nhau, trong đó có dẫy nhà chính ba tầng hoàn thành vào năm 1732 bằng cách nối liền hai căn nhà xây từ năm 1663. Trong không gian thứ hai này có 3 phòng triển lãm về Á châu : -Phòng Lambert de LA MOTTE, về các nước Ấn Ðộ, Nam Ðương, Mã Lai, Ðại Hàn, Nhật, Trung Hoa, Ðài Loan và Madagascar. Và -Phòng COTOLENDI, về các công trình mà các thừa sai đã đóng góp vào Á Châu về các khoa học tự nhiên, sáng tác dịch thuật, in ấn xuất bản. 

Ngay cửa vào tầng trệt dẫy nhà chính, nhiều hướng dẫn viên đợi sẵn chỉ lối cho khách thập phương vào xem triển lãm. Phòng đầu tiên là -Phòng François PALLU, về 5 nước Việt Nam, Lào, Cao Mên, Thái Lan và Miến Ðiện. Phòng gồm hai căn. Căn đầu trưng bày hình bốn giám mục tiên khởi và sáng lập ra Thừa Sai Hải Ngoại Paris là François de Montmorency-Laval (1623-1708), François Pallu (1626-1684), Ignace Cotolendi (1630-1679) và Pierre Lambert de La Motte (1630-1662). Rồi lịch sử tóm tắt, tập tục và niềm tin tôn giáo, qua các hình ảnh và hiện vật của 5 nước Việt Nam, Lào, Cao Miên, Thái Lan và Miến Ðiện. Và những đóng góp về ngôn ngữ, văn hoá của các cha thừa sai cho các nước này, đặc biệt là việc biên soạn tự điển, nghiên cứu ngôn ngũ, dịch thuật hoặc biên soạn văn hoá. Căn thứ hai, nhỏ hơn, đặc biệt dành cho văn học việt nam với sự đóng góp của các cha thừa sai trong bốn khía cạnh : biên soạn tự điển, chép sách chữ nôm, sáng tác sách quốc ngữ và nghiên cứu về văn hóa việt nam. Chúng ta sẽ trở lại căn này trong phần hai khi nói về Việt Nam. 

Ra khỏi phòng François Pallu, quẹo tay mặt, cứ tiếp tục hành lang, đi đến khu nhà « thỉnh sinh », khách thăm sẽ đến phòng Lambert de La Motte. Ðây là phòng dành riêng cho 8 nước Ấn Ðộ, Nam Dương, Mã Lai, Ðại Hàn, Nhật, Trung Hoa, Ðài Loan và Madagascar. Nhiều hình, họa, tranh, hiện vật, sách vở, bài viết được trưng bày để giới thiệu về những tập tục, phong hóa, niềm tin tôn giáo của các dân tộc và quốc gia này. 

Ra khỏi phòng Lambert de La Motte, vẫn quẹo tay phải, tiếp tục hành lang nhà « Thỉnh Sinh », chúng ta sẽ đến phòng Cotolendi. Trong phòng này, khách thăm khám phá ra nhiều công trình nghiên cứu về thảo mộc á châu do các thừa sai thực hiện. Nhiều tên tuổi thừa sai đã được nhận ra, trong đó phải kể đến những thừa sai au đây : Émile Bodinier, Henri Bon, Jean Marie Delavay, Jules Dubernard, Paul Farges, Urbain Faurie, Auguste Léveillé, Jean Monbeig, Jean Soulié, Émile Taquet,…Một số thừa sai khác lại đã đóng góp trong lãnh vực địa chất, khoáng chất,..tiền sử, như Léopold Cardière, Pierre Dourisboure, Jean-Baptiste Guerlach, Henri Arnouix de Pirey, Daniel Léger, Charles Arnoux, Henri Fontaine,…Một số thừa sai khác lại góp phần làm dồi dào văn hóa các nước địa phương bằng dịch các tác phẩm thánh kinh sang ngôn ngữ địa phương, như trường hợp cha Jean Basset (1662-1707) đã dịch Tân Ước sang tiếng trung hoa….Một số thừa sai khác lại nghiêng hẳn về những đóng góp kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật in ấn. Năm 1902, cha Jourdain đã tự chế ra một máy in ở Nam việt. Năm 1823 thừa sai P. Jaccard đã giới thiệu với vua Minh Mạng kỹ thuật in lithographie. Từ 1870, cac cha thừa sai đã lập nhiều nhà in tại Á Châu. Vào năm 1894, người ta đếm được cả trên chục nhà in : 1 ở Ðại Hàn, 3 ở Se-tchoan, 1 ơ Ynnan, 1 ở Kouy-tcheou, 2 ở Bắc Việt, 1 ở Siam, 1 ở Miến Ðiện, 1 ở Pondichéry, …Và có lẽ nhà in tối tân nhất là nhà in Nazareth ở Hồng Kông, thành lập năm 1885. Vào năm 1934, nhà in Nazareth in rất nhiều thứ tiếng : tiếng tầu (28%), tiếng việt (17,4%), tiếng la tinh (17,4%), tiếng pháp 11,9%, và nhiều tiếng khác nữa, như tiếng anh, tiếng chamorro, tiếng tây tạng, tiếng lào, tiếng mã lai, tiếng đại hàn, tiếng bahnar, tiếng canaque, lolo, aino, nhật,…Từ 1885 đến 1934, trên 358 án bản giáo lý và sách cầu kinh, 400 ấn bản sách tu đức, 164 ấn bản sách mục vụ và giáo luật, 127 ấn bản hộ giáo và tranh luận. 

Ði thăm một vòng ba phòng triển lãm lấy tên ba vị Giám Mục thừa sai đầu tiên François Pallu, Pierre Lambert de La Motte và Ignace Cotolendi, một ấn tượng mạnh đập vào cái nhìn của khách thập phương là mạo hiểm bao la của các thừa sai, trải dài khắp Á châu, từ Nhật, Ðại Hàn, Trung Hoa, Ðài Loan, qua Việt Nam, Lào, Cao Miên, Thái Lan, Miến Ðiện, đến Án Ðộ, Nam Dương, Madagascar. Và một cảm tưởng thán phục xuất hiện trong tâm tư mỗi người về những mạo hiểm tự nhiên, những khám phá và đóng góp vào văn hoá cũng như khoa học nghệ thuật và cuộc sống kinh tế hằng ngày của các thừa sai.

  2. Những đóng góp của các cha thừa sai Paris vào văn hóa việt nam

Vế những đóng góp của các thừa sai cho văn hóa việt nam, bốn công việc đã đặc biệt được trình bày : việc nghiên cứu ngôn ngữ việt nam và soạn tự điển việt nam, việc viết sách đạo bằng chữ nôm, việc nghiên cứu văn hoá ở Huế và việc xuất bản sác sách quốc ngữ đầu tiên.

Trong căn cuối cùng phòng François Pallu, ba tủ kính đặc biệt thu hút chú ý khách thăm viếng, trưng bày các tự điển, các sách đạo viết bằng chữ nôm và công trình nghiên cứu văn hóa ở Huế.

  

21.  Về việc làm tự điển, qua một bài tóm lược vắn tắt, cha Gérard MOUSSAY đã giới thiệu 7 người đầu tiên nghiên cứu ngôn ngữ việt nam và làm tự điển việt nam, qua hai thế hệ khác nhau. Thế hệ latinh và thế hệ pháp.

·        Alexandre de Rhodes ; Dictionarium Annamiticum et Latinum - Romae :Typis, sumptibus ejusdem Sacr. Congreg., 1651. – 3 ff. Linguae Anamiticae sv Tunchinensis brevis Declaratio p. 31 ; 4°.

·        Pierre Pigneaux, évêque d’Adran ; Vocabularium Anamitico-Latinum - Pondichéry, 1772. - [70]-729 p. ;  35 cm.

·        Jean-Louis Taberd ; Dictionarium latino-anamiticum ;– Se-rampore : ex Typis J. C. Marshman, 1838. - LXXXVIII-708-VIII-135 p. ; 28 cm.

·        Joseph Theurel ; Dictionarium anamitico-latinum - Ninh Phu : Ex Typis Missionis Tunquini occidentalis, 1877. - XXX-566-71 p. ; 28 cm.

·        Jean Génibrel ; Dictionnaire annamite-français - Saigon : Imprimerie de la Mission à Tân-Dinh, 1898.- 987 p., 2 col.

·        Gustave Hue ; Dictionnaire annamite-chinois-français - Hanoi : Impr. Trung Hoa, 1937. - 1199-7 p. ; 27 cm.

·        Eugène Gouin ; Dictionnaire vietnamien chinois français - Saigon : Impr. d'Extrême-Orient, cop. 1957. - [5]-1606-40 p. ; 32 cm. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

22. Về các sách đạo bằng chữ nôm, những cuốn do các thừa sai biên soạn sau đây đã được trưng bày :

·        Joseph THEUREL ; Phép lần hạt mân côi 5 sự thương ; 1868

·        Pierre GENDREAU ; Tháng mân côi ; 1898

·        Charles JEANTET ; Bảy phép bí tích ; 1865

·        Pierre RETORD ; Kinh nguyện ; 1845

·         Isidore COLOMBERT ; Giáo lý chầu nhưng ; 1882 

23. Về việc nghiên cứu văn hóa ở Huế, một số tác phẩm của cha Léopold Cadière và dăm bảy số báo « Bulletin des Amis-Vieux Huế » đã được trưng bày. 

24. Về việc sáng tác và xuất bản các sách quốc ngữ đầu tiên, phòng triển lãm thứ năm Ignace Cotolendi đã trưng bày những cuốn sách sau đây :

·        Alexandre de RHODES (Cha Ðắc Lộ) ; Phép giảng tám ngày ; 1651

·        Pierre CADRO (Cố Lương) Sách dẫn đàng cho đấng làm thầy sửa mình và làm việc bậc mình nên ; Tây Ðàng Ngoài ; 1886

·        Sách tu sĩ tùy thân ; Tân Ðịnh ; 1889

·        Pierre CADRO ; Sách làm thầy tế lễ ; Cố Lương dọn ra tiếng Annam ; Nhà Chung Kẻ Sở ; 1889

·        Pierre LALLEMENT ; Sách bổn ; 1900

·        T. TRIẾT ; Hạnh các thánh, mỗi ngày mỗi truyện / linh mục T  Triết dịch ra tiếng Annam ; Hồng Kông : Nazareth ; 1904

·        A. TARDIEU ; Hạnh Ðức Cha Thể Mgr Cuenot (1802-1961) ; Làng Sông ; 1907

·        Albert SCHLICKLIN ; Sách dạy về gốc tích cội rễ sự đạo ; Kẻ sở ; 1908 

Ra về, nhiều khách thập phương ghé quán sách triển lãm, do một chị việt nam tình nguyện coi và bán. Người thì muốn tìm mua một cuốn sách mới, nhân dịp triển lãm. Kẻ thì hỏi nhau về cảm tưởng đi xem triển lãm.

Ða số đều phục về tổ chức qui củ ; về trưng bầy nghệ thuật ; về tài liệu giá trị.

Nhưng điều mà nhiều người phục hơn cả là sự mạo hiểm, lòng tận tình, chí hy sinh và óc sáng tạo truyền giáo của các thừa sai.

Họ « một tâm, một lòng » !

Họ « những người bạn hiền » !

Họ, những người đã muốn đáp lại tiếng Chúa gọi, « đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân » !

 Paris, ngày 13 tháng 01 năm 2008

Trần Văn Cảnh

Thư phản bác của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội
về Công văn của Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội

 

 

Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội

Số: 08-VP/TGM 003

V/v. Phản bác Văn thư UBND/HN

 

Ngày 14 tháng 01 năm 2008

 

Kính gửi: Bà Ngô thị Thanh Hằng

Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà nội

 

Nhận được văn thư số 273/UBND-VX ký ngày 11-01-2008, chúng tôi thực sự ngạc nhiên về sự thiên lệch trong lý luận và trong hành xử quyền hành.

Các cơ quan chức năng đã thiên lệch khi lặng im trước lời khiếu nại của người bị vi phạm. Từ nhiều năm nay Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục vẫn làm đơn xin lại khu đất Tòa Khâm Sứ. Như thế đó là đất đang tranh chấp. Không bên nào có quyền xây dựng, thay đổi hiện trạng khi chưa có phán quyết chính thức. Nhưng năm nay, Tòa Khâm Sứ đã liên tục bị vi phạm khi cơ quan tạm quản lý cho xây dựng hàng phở lên 2 tầng. Nếu cơ quan nào cấp phép xây dựng thì cơ quan đó làm sai. Nếu không có phép lại càng sai trái hơn. Ngày 04-12-2007, Tòa Tổng Giám mục đã làm đơn yêu cầu giữ nguyên trạng khu đất. Nhưng không được Chính quyền cứu xét. Trái lại cơ quan tạm quản lý lại cho tháo rỡ mái và sàn khu nhà chính của Tòa Khâm Sứ. Tòa Giám mục cho người sang phản đối, không có kết quả. Ngày 13-12-2007, quản lý Tòa Tổng Giám mục đã ra văn thư khiếu nại. Vẫn không được cứu xét. Ngược lại cơ quan tạm quản lý tòa nhà còn cho mở bãi giữ xe trên sân từ trước đến nay vẫn được tôn trọng. Hành vi bất chấp dư luận lại được sự làm ngơ của các cơ quan chính quyền khiến người dân vô cùng bức xúc. Ðó chính là lý do dẫn đến việc giáo dân đến cầu nguyện cho công lý tại Tòa Khâm Sứ. Lỗi đó là sự im lặng có thiên lệch của các cơ quan chức năng không bênh vực quyền lợi của người dân, dung túng cho những người vi phạm.

Các cơ quan chức năng đã thiên lệch khi bênh vực những người vi phạm. Trường hợp nhà thờ Thái hà cũng thế. Từ hơn 10 năm nay Dòng Chúa Cứu Thế đã làm đơn xin lại khu đất trước kia của nhà dòng, bị công ty may Chiến Thắng bỏ không sử dụng từ lâu. Và cả hai bên đều không có động thái gì. Ðột nhiên đầu năm 2008, có hàng rào thép gai, có nhân viên công an đến bảo vệ cho công ty may Chiến Thắng xây dựng. Giáo dân bức xúc phản đối. Chiều ngày 07-01-2007, Chính quyền đã đến trấn an giáo dân khi hứa sẽ ngừng mọi việc xây dựng tại đây. Thì như một gáo nước lạnh, sáng ngày 08-01-2008, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội ra văn thư cho phép công ty may Chiến Thắng tiếp tục xây dựng. Người dân phẫn uất vì các cơ quan chức năng đã không giữ lời hứa lại còn bất chấp tình cảm người dân, ngang nhiên bênh vực những người vi phạm bằng một văn bản hẳn hoi. Ðó cũng là lý do khiến người giáo dân chẳng còn biết tin vào ai, chỉ còn biết cầu nguyện.

Các cơ quan chức năng thiên lệch khi quy kết trách nhiệm cho một bên. Ðã im lặng trước sự vi phạm của cơ quan tạm quản lý Tòa Khâm Sứ và ngang nhiên bênh vực sự vi phạm của công ty may Chiến Thắng, nay lại quy kết trách nhiệm cho giáo dân thì là một thiên lệch quá đáng. Không có lửa làm sao có khói. Không có oan ức thì đâu có bùng phát. Thực ra việc giáo dân cầu nguyện rất trang nghiêm không hề làm mất trật tự. Không có hô hoán cũng không có một lời phản đối chính quyền hay một biểu ngữ. Chỉ là cầu nguyện thuần túy. Cầu nguyện vì bị đối xử thiên lệch.

Vì thế mong bà Phó Chủ tịch hãy xem xét kỹ lưỡng vấn đề để giải quyết rốt ráo. Những việc làm thiên lệch chỉ khiến người dân thêm bức xúc và mất niềm tin vào chính quyền. Ðó chính là lý do dẫn đến tình trạng hiện tại. Muốn giải quyết vấn đề phải giải quyết từ gốc chứ không phải từ ngọn. Gốc đó phải là sự công bằng. Chúng tôi không mong gì hơn là chính quyền công minh để người dân yên tâm sống an vui hạnh phúc.

Trân trọng cám ơn và kính chào bà Phó Chủ tịch.

 

TM/Tòa Tổng Giám Mục

Chánh văn phòng

(đã ký và đóng dấu)

Lm. Gioan Lê trọng Cung

 

Nơi nhận

- Như kính gửi

- Văn phòng Chính phủ

- Ban Tôn giáo Chính phủ

- Bộ CA

- Ban Dân vận TƯ

- MTTQ TƯ

- Chủ tịch UBND TP

- CA TP

- UBND quận Hoàn Kiếm

- Lưu VP

 

Chánh VP Tòa TGM Hà Nội

 

 

Công văn Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội

gửỉ Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

và Tòa Giám Mục Hà Nội

 

Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 273/UBND-VX

 

V/v vi phạm của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 2008

 

Kính gửi: - Ngài Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam

Ðồng kính gửi: - Ngài Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội.

 

UBND Thành phố Hà Nội xin gửi tới Ngài Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và Ngài Tổng Giám Mục Hà Nội lời chào trân trọng!

Trong những năm qua, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Tòa tổng Giám Mục và giáo dân như: Lễ đón tiếp Hồng Y Crescenzio Sepe - Tổng trưởng Bộ truyền giáo Vatican đến thăm giáo hội tại Việt Nam, Lễ thụ phong linh mục cho các Tu sỹ tại Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, lễ Noel hàng năm và các buổi lễ trọng trong chương trình mục vụ của Hội đồng Giám Mục. Nhất là mới đây, đã đảm bảo cho Ðại hội X - Ðại hội Hội đồng Giám Mục Việt Nam diễn ra tốt đẹp tại Hà Nội. UBND Hà Nội rất vui mừng và đánh giá cao sự tham gia đóng góp tích cực của các giáo sỹ và cộng đồng giáo dân vào các hoạt động của thành phố.

Tuy nhiên chúng tôi rất lấy làm tiếc là thời gian gần đây Tòa tổng Giám Mục Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng giáo dân, vi phạm các quy định hoạt động tôn giáo và pháp luật. Cụ thể:

Ðối với Toà tổng Giám Mục Hà Nội: Ngày 15/12/2007, Ngài Tổng Giám Mục đã gửi thư không chỉ cho các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội mà còn gửi tới các giáo dân khác kêu gọi các giáo sỹ và giáo dân tham gia việc đòi lại nhà đất tại 42 phố Nhà Chung; kêu gọi giáo dân đến cầu nguyện tại 42 phố Nhà Chung là trụ sở Phòng Văn hóa Thông tin, Nhà Văn hóa và Trung tâm Thể dục Thể thao quận Hoàn Kiếm. Tối ngày 18/12/2007 và liên tục trong các ngày tiếp theo trong tháng 12 năm 2007, sau các buổi lễ, Tòa Tổng Giám Mục đã kêu gọi giáo dân đến tổ chức cầu nguyện tại khu đất 42 Nhà Chung; đưa ra tượng Ðức Mẹ sang đặt tại khu đất 42 Nhà Chung; kèm theo việc phân phát tờ rơi với nội dung có tính chất xuyên tạc chính quyền. Trong những ngày gần đây, Tòa Tổng Giám Mục vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động tập trung đông giáo dân, giáo sỹ cầu nguyện trước cửa số nhà 42 phố Nhà Chung gây mất trật tự giao thông công cộng.

Ðối với Giáo xứ Thái Hà đã để xẩy ra vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, giao thông công cộng; Giáo xứ Thái Hà đã huy động giáo dân tự ý lấn chiếm đất xây dựng nhà không phép trên đất hiện do Công ty Ðiện lực Hà Nội và Công ty cổ phần vật tư vận tải xi măng quản lý thuộc địa bàn phường Quang Trung; Chưa xin phép Chính quyền đã tự ý đục tường, xây cổng ra ngách 49 ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng thuộc địa phận phường Ô Chợ Dừa; Ðã để một số giáo dân phá đổ tường rào bảo vệ, phá hoại tài sản của Công ty cổ phần may Chiến Thắng vào đêm ngày 5/1/2008. Từ ngày 6/1/2008 cho đến nay, Giáo xứ Thái Hà tiếp tục để cho giáo dân, giáo sỹ đi treo hàng chục ảnh Ðức Mẹ và Thánh Giá vào hàng rào bảo vệ của Công ty cổ phần may Chiến Thắng, tụ tập đông người cầu nguyện ngoài cơ sở thờ tự, gây mất trật tự giao thông công cộng.

Về phía Công ty cổ phần may Chiến Thắng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã trực tiếp nhắc nhở, yêu cầu phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của thành phố về các vấn đề có liên quan đến việc quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp và đã có văn bản gửi ông Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, Linh mục Trịnh Ngọc Hiên và một số giáo sỹ, song những việc làm trên vẫn tiếp diễn gây mất trật tự công cộng, làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục và chính quyền địa phương; tạo cớ cho kẻ xấu kích động, tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ quan hệ giữa cộng đồng giáo dân với chính quyền; làm ảnh hưởng đến hình ảnh Ðạo Thiên Chúa trong cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang được cải thiện giữa nhà nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican.

Những việc làm trên vi phạm khoản 2 điều 11 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ngày 29/6/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và điều 26 Nghị định 22/2005/NÐ-CP của chính phủ ngày 1/3/2003 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Luật xây dựng, Luật đất đai và gây ra những bức xúc trong quần chúng nhân dân cũng như trong bà con giáo dân trên địa bàn.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận Ðống Ða có văn bản trao đổi, phê phán những việc làm sai trái nói trên; đồng thời đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ đạo và yêu cầu Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà chấm dứt ngay những việc làm vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về hoạt động tôn giáo, đồng thời sớm khôi phục, trả lại nguyên trạng, di chuyển tượng Ðức Mẹ và Thánh Giá ra khỏi khu vực 42 phố Nhà Chung; Tháo dỡ phần diện tích xây dựng không phép trên diện tích đất của Công ty Ðiện lực Hà Nội và Công ty cổ phần vật tư vận tải xi măng quản lý; chuyển ảnh Ðức Mẹ, Thánh Giá ra khỏi tường bảo vệ của Công ty cổ phần may Chiến Thắng, nếu tiếp tục để xảy ra những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Về đề nghị giải quyết vấn đề nhà đất tại 42 phố Nhà Chung, UBND Thành phố Hà Nội đang xem xét và đề nghị Chính phủ giải quyết thấu đáo, có lý, có tình, theo đúng quy định của pháp luật.

Về đơn khiếu nại của Linh mục Trịnh Ngọc Hiên và một số Linh mục thuộc Giáo xứ Thái Hà, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn trả lời số 122/UBND-ÐCNN, ngày 8/1/2008, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã Quyết định thành lập Ðoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất, trật tự xây dựng, trật tự giao thông công cộng tại khu vực này theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp Công ty cổ phần may Chiến Thắng có các vi phạm, thành phố sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh, UBND Thanh phố Hà Nội sẽ thông báo tới các quý Ngài biết.

Việc tổ chức khánh thành nhà nguyện 7 tầng của Giáo xứ Thái Hà, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Linh mục Trịnh Ngọc Hiên thực hiện theo đúng quy định Luật thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt không tập trung đông người làm ảnh hưởng trật tự giao thông công cộng và trật tự an toàn xã hội tại khu vực.

Chúng tôi cho rằng những vi phạm nói trên cần sớm được chấm dứt. Việc chấp hành pháp luật và sự hợp tác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Giáo xứ Thái Hà với chính quyền sở tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc Thanh phố Hà Nội báo cáo với Chính phủ giải quyết vấn đề nhà đất 42 phố Nhà Chung, các kiến nghị của Giáo xứ Thái Hà và các vấn đề khác có liên quan đến mối quan hệ giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội với chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô, tiếp tục góp phần cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa Thánh Vatican.

Một lần nữa xin gửi tới Quý Ngài Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và Ngài Tổng Giám Mục Hà Nội lời chào trân trọng!

 

TM. Ủy Ban Nhân Dân

KT. Chủ Tịch

Phó Chủ Tịch

Ngô Thị Thanh Hằng

(Ðã ký và đóng dấu)

 

Nơi nhận

- Như trên;

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ: CT, XD, CA, NG;

- Ban Tôn giáo Chính phủ;

- TTTU, HÐND TP;

- Ð/c CT UBND Thành phố;

- Các đ/c PCT UBND TP;

- UBMTTQ TP;

- CATP, Ban TG TP, Sở TNMT&NÐ

- UBND quận: Hoàn Kiếm, Ðống Ða;

- Ông Trịnh Ngọc Hiên số 180/2 phố Nguyễn Lương Bằng, Ðống Ða (để biết)

- CPVP, VX, NN, TH;

- Lưu VT;

 

Mục lục

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

TÌM HIỂU SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI DI DÂN VÀ TỴ NẠN 2008

“ NGƯỜI DI DÂN TRẺ”

 

Sau khi đề cập đến sự kiện di dân như “dấu chỉ thời đại” (2006) và “gia đình di dân”(2007), Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến “người trẻ di dân”, trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nan năm 2008 được công bố ngày 28.11.2007.

 

Sứ điệp không chỉ ngỏ lời với người di dân, mà còn với mọi Kitô hữu, nhất là những người có trách nhiệm mục vụ trong Giáo Hội. Do đó, dù là Kitô hữu giáo dân hay linh mục, việc chăm chú lắng nghe lời mời gọi của sứ điệp này và chia sẻ mối bận tâm của người đại diện Chúa Kitô một cách “sentire cum Ecclesia”( đồng cảm với Gíao Hội).

 

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NGƯỜI TRẺ DI DÂN

 

Trước hết, Sứ điệp trình bày nguyên nhân của hiện tượng di dân nơi người trẻ, đó là “ Cùng với tiến trình toàn cầu hóa đang lan rộng, có một đòi hỏi về lưu động đặc biêt thúc đẩy nhiều người trẻ phải di cư và sống xa gia đình và xứ sở của họ”. Thông thường thì thành phần ra đi khỏi nguyên quán của mình là giới trẻ được trang bị những khả năng tốt hơn, nhưng thực tế cho thấy việc di cư ngày càng gia tăng số người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội.

 

Đức Thánh Cha đã nêu lên những vấn đề mà người trẻ di dân và tị nạn ngày nay đang gặp phải :

 

+ Khó khăn trong việc hội nhập vào xã hội mới do luật lệ khắc khe của các nước tiếp cư.

Vì đứng giữa hai nền văn hóa, họ thường rơi vào tình trạng bị giằng co, giữa nhu cầu bảo tồn văn hóa gốc của tổ tiên và ước muốn hội nhập hoàn toàn vào xã hội và đánh mất đi truyền thống của mình là một thách đố thường xuyên đối với người di dân trẻ ?

 

+ Dễ bị lạm dụng và bóc lột. Nhiều thiếu nữ di dân dễ trở thành nạn nhân của khái thác bóc lột dưới nhiều hình thức. Không ít em đã trở thành trẻ bụi đời, bị lạm dụng, bạo hành, cả về thể lý, luân lý lẫn tình dục.

 

+ Cái nhìn bi quan về tương lai. Bao nhiêu người trẻ bị cô lập và trải qua quãng thời gian dài trong các “trại” tị nạn ở các nơi trên thế giới, xa thành phố và không có điều kiện theo học bình thường tại các học đường. Giai đọan thơ ấu và tuổi thiếu nên rất quan trọng trong sự phát triển nhân cách, thế nhưng con em của người tị nạn chỉ trải nghiệm về một nếp sống bị bó buộc. Do đó các em khó có thể nhìn về tương lai với niềm tin tưởng lạc quan. Trong ngày họp báo giới thiệu Sứ điệp (28.11.2007) tại phòng Báo Chí Tòa Thánh ,ĐHY Renato Martino – Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng như Hội đồng Mục Vụ Di Dân và Người Lao Động, đã gọi các trại tị nạn thực sự là những nhà tù và nói rằng :“Tôi đã nhiều lần viếng thăm nhiều trại tị nạn..Nhiều khi không thể đến các trại đó vì người ta không muốn cho thấy tình cảnh trong đó người tị nạn bị đối  xử như những tù nhân” .

Sau khi đã nhận định về những khó khăn của người trẻ di dân, như một người cha hiền và mục tử, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những đề nghị cụ thể :

 

Đối với mọi người trẻ di dân, ngài khuyên : “Hãy tôn trọng luật pháp và đừng bao giờ để cho lòng thù hằn và bạo lực thúc đẩy mình. Ngay từ bây giờ, các bạn hãy tìm cách sống như những nghệ nhân của một thế giới trong đó, sự hiểu biết và tình liên đới, công lý và hòa bình ngự trị”.

 

Hướng về người Kitô hữu trẻ, Đức Giáo Hoàng nói : “Đối với các con là những tín hữu trẻ, cha yêu cầu chúng con hãy tận dụng thời kỳ học hành của mình để lớn lên trong hiểu biết và trong tình yêu của Chúa Kitô. Đức Giêsu muốn chúng con là những người bạn  thực sự của Người…làm chứng nhân cho Người, và để thực hiện điều đó, chúng con cần dấn thân sống Phúc âm một cách can đảm, bằng những nghĩa cử cụ thể bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và sự quảng đại phục vụ anh em. Giáo hội cũng cần chúng con và tin ở sự đóng góp của chúng con”.

 

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng đã phó thác các người di dân trẻ, gia đình họ và tất cả những người phục vụ họ cho Me Maria và thánh Giuse là hai Đấng đã từng là người tị nạn cùng với Chúa Giêsu tại Ai Cập.

 

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI

 

“Làm sao đáp ứng niềm mong đợi của người trẻ di dân ? Cần làm gì để giúp đỡ họ”. Chắc hẳn rằng gia đình và học đường là môi trường đầu tiên nâng đỡ họ. Tuy nhiên,   trong một hoàn cảnh xã hội xa cách nguyên quán, nhịp độ thích nghi và hội nhập khác  nhau  giữa hai thế hệ cũng đã gây nên không ít vấn đề về tương quan và cách ừng xử. Là thành viên của đại gia đình GiáoHội, chúng ta không thể từ chối trả lời câu hỏi trên ! Đức Giáo Hoàng đã gợi lên những gì cần thực hiện để nâng đỡ người trẻ di dân.

 

+ Kiến tạo những cơ cấu thích hợp để tiếp đón và đào tạo người trẻ di dân. Nhiệt tình đón tiếp họ và cha mẹ họ, đồng thời làm thế nào để họ được sinh hoa kết quả di sản đức tin mà họ đã nhận được từ sự huấn luyện Kitô giáo nơi nguyên quán.

 

+ Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các vị hữu trách trong Giáo Hội tăng cường việc mục vụ cho người trẻ di dân cũng như các sinh viên, du học sinh đến từ nước ngoài: “Cố gắng của tất cả mọi người, các gỉảng viên, gia đình và sinh viên học sinh, chắc chắn sẽ góp phần giúp những người trẻ di dân đương đầu một cách tốt nhất với những thách đố của việc hội nhập và mang lại cho họ khả năng đạt được những gì giúp ích cho việc huấn luyện nhân bản, văn hoá và  nghề nghiệp của họ”.

 

Vì lượng các sinh viên và du học sinh mỗi ngày một gia tăng hơn nữa họ còn là “những người di dân tạm thời”. Trong thực tế, do áp lực của việc học, họ “thường cảm thấy cô đơn và đôi khi gặp phải những khó khăn về kinh tế nữa”. Cho nên, Giáo Hội cần có một hình thức mục vụ đặc thù dành cho thành phần này. Làm sao thể hiện tình liên đới hiền mẫu của Giáo Hội qua những “can thiệp mục vụ và xã hội chuyên biệt”nhắm giúp đỡ họ một cách thiết thực.

Tạo cơ hội thích hợp để làm phong phú cho nhau qua những cuộc tiếp xúc, giao lưu với những người trẻ thuộc văn hoá và tôn giáo khác.

 

Nhìn vào trong nước, thực tế cho thấy làn sóng di dân ngày một dâng cao tại thành phố chúng ta, mà đa số là người trẻ đến từ các tỉnh thành của cả nước, để học tập hay mưu sinh lập nghiệp. Vì thế, việc chăm sóc mục vụ cho các anh chị em này càng trở nên cấp thiết. Tại một số giáo xứ, đã có những nhà trọ dành cho sinh viên, những hình thức tiếp sức bằng học bổng, vài cuôc tập hợp khá đông người trẻ thuộc giới lao động, công nhân  v..v Tuy nhiên, thiết tưởng các sáng kiến này cần được nuôi dưỡng nhân rộng ra, đồng thời mục vụ cho người di dân nói chung và người trẻ nói riêng, đáng được nghiên cứu, định hướng và tổ chức, trong sự liên kết giữa các ban mục vụ và các đoàn thể trong giáo phận, hầu đáp ứng nhu cầu của anh chị em di dân.

 

Lm. Tâm Giao

Mục lục

 

 

NHỮNG CÚ NGÃ NGỰA

                                                                  

Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy Lạp, chẳng hạn khi ngài lênh đênh trên biển tìm vùng đất mới đem về cho Chúa ban nhiều linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ ?

 

Thưa vì hình ảnh đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

 

Hai nửa đời ấy dường như hội tụ lại trong hình ảnh Thánh Phaolô ngã ngựa hôm nay :

 

  1. Cú ngã ngựa cũng là ngã rẽ cuộc đời

 

Về danh xưng : nửa đời trước là “Saolô’ với một lô câu hỏi “ tại sao”  đang cỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời, còn nửa đời sau là “ Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

 

Về vị thế : nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông, còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”.

 

Về hoạt động : nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngờ của những Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người bạn Biệt phái cũ của ông.

 

Về tình cảm : nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ lúc gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù loà, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác biệt đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa

 

Về hướng đi : bản thân nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác ; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

 

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ con người và xác tín sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa.

 

  1. Những cú ngã ngựa trong đời tín hữu.

 

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phalô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp nhan nhản những cú “ngã ngựa”. Có những cú ngã ngựa trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa, có những cú ngã ngựa trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân, có những cú ngã ngựa trong đời sống chiến đấu nội tâm; và cũng có những cú ngã ngựa đau điếng trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khoẻ…

 

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được, mà hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại làm điều kiện cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, nhưng lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang. Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt quãng đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc đời lên đường truyền giáo của vị Tông đồ.

 

Như vậy, người ngã ngựa không nhìn vào mình để chỉ cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sáng niềm tin. Nên “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà  là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

 

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

Giáo phận Tp.HCM

Mục lục

 

 

Mục lục

CHIÊN CỨU ĐỘ

(Ga 1, 29-34)

Trong các sách Phúc Âm, chỉ có Phúc Âm thánh Gioan nói tới tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" hai lần (Ga 1, 29 và 1,36), đó là lời Gioan khẳng định khi ông nhìn thấy Chúa Giêsu.

Chiên Thiên Chúa, xóa tội trần gian, nhắc cho người Do Thái nhớ đến hy lễ con chiên được cử hành trong đền thờ Giêrusalem hằng ngày và nhất là trong đại lễ Vượt qua. Con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đâu con chiên: rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng: Người ta thiêu sống làm lễ dâng lên Thiên Chúa, để  xin Thiên Chúa xóa hết tội mình (Lêvi 1,4). Con chiên đó chính là chiên lễ Vượt qua, máu nó đã cứu sống con trai Do Thái, thịt nó làm của ăn cho toàn dân được mạnh sức vượt qua khó ách nô lệ Ai Cập (Xh 12, 7).

Đối với dân Do thái. Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo : "Chính các bệnh tật của chúng tôi. Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán... Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh... Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7.10). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng : "Chính Ngài là Con Thiên Chúa” .

Chiên, con vật hiền lành

Là con vật được nuôi để xén lông, để lấy thịt. Chiên tượng trưng cho sự hiền lành, thanh khiết, vô tội. Vì những đặc tính này mà người ta, người Dothái đã đặt, đã trút mọi tội lỗi lên con chiên để hiến dâng cho Thiên Chúa như một lễ vật, vào ngày lễ Vượt Qua.

Ở Đức, có một nhà thờ kia đặt trên nóc nhà một con chiên. Lý do đơn giản là để mang ơn nó. Một ngày kia đang xây nhà thờ, một người thợ bị đứt dây an toàn, rơi xuống đất. May mắn là có một con chiên đi ăn cỏ, bị lạc vào khu vực nhà thờ. Người thợ rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên chết ngay tại chỗ, vì phía dưới là một đống gạch đá. Hình ảnh chiên thật đẹp, vì nó phục vụ và hy sinh cho con người.

Hôm nay, thánh Gioan đã giới thiêụ cho chúng ta con chiên, là Chiên Thiên Chúa. Chiên này được đồng nghĩa với người Đầy tớ đau khổ, không một tiếng kêu la khi bị dẫn tới lò sát sinh.

Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp thịt ngon cho con người, thì Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đã mang lấy tội, gánh lấy lỗi của nhân loại, Ngài còn trở nên lương thực nuôi dưỡng ta qua bàn tiệc Thánh Thể. Ngài vừa là con chiên của lễ vượt qua, vừa là biểu tượng của sự cứu chuộc của Israel, vừa là dấu chỉ cho mọi thời đại về ơn cứu độ. Dấu chỉ này là Chiên Thiên Chúa phục vụ và hiến mạng.

Ngài là hình ảnh của chiên hiến tế. Chiên này mang tội của chúng ta đi, cất đi sự chết đang, sẽ bao trùm và chiếm lấy con người yếu đuối của chúng ta.

Tình yêu đáp đền tình yêu

Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào. Ngày kia, một ông già lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa : Suốt mùa nước lũ vừa qua, ta không có gì để ăn, đói lả người, chắc chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu.Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không.

Thỏ Pôlixa nhìn ông già tội nghiệp, rồi nói : Được, ông chờ một lát. Và chú thỏ vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:  Ông chờ thịt cháu chín, rồi lấy mà ăn nhé ?

Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên, lửa tắt, ông lão biến mất. Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.

Huyền thoại nào cũng mang một sứ điệp cho con người. Nếu thỏ Pôlixa là hình ảnh của những ai biết hy sinh thân mình cho kẻ khác, thì Đây Chiên Chiên Chúa mà thánh giao an vừa giới thiệu cho chúng ta chính là hiện thân của Đấng đã hiến thân vì nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô mà Gioan đã giới thiệu với các môn đệ của ông và cho mọi người : “Đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, con chiên  bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chết thay cho các tội nhân.

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Giáo hội mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy đi làm nhân chứng cho Người. Nghĩa là giới thiệu cho người khác. Đây Con Thiên Chúa.

Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, tình yêu Thiên Chúa cao mãi muôn đời. Đó là qui luật căn bản nhất của con người, người kitô hữu : là mang ơn, là đáp trả tình yêu Thiên Chúa.

Đáp trả ân tình Chúa không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống. Thành người thanh sạch trinh trong vẹn tuyền.

Đền đáp ân tình Chúa không chỉ là nhìn nhận những ân huệ Người ban, mà còn luôn biết chia sẽ cách quảng đại cho anh em mình những ân huệ đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa.

Đáp đền ân tình Chúa không chỉ là biết yêu thương con người mà còn là yêu thương không mong đền đáp, là cho đi không tính toán thiệt hơn.

Tất cả những ai quảng đại đáp trả ân tình Chúa thì đều là những chứng nhân cho Đức Kitô. Làm chứng cho Đức Kitô cách hữu hiệu nhất là hiến trọn đời mình, dâng trọn xác hồn cho Thiên Chúa, để con người chúng ta biểu lộ tình yêu và lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa trước mặt người đời. Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.

Thánh Gioan đã trả giá đắt cho lời cam đoan của mình. Chúng ta cũng có biết bao nhiêu lời cam đoan, lời thề ? Trước tổ quốc, trước nhân dân, trước bàn thờ, với những hứa hẹn thật đẹp như : từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những việc ma quỷ, tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, nhưng những điều ấy có trở thành hiện thực hay không, và được bao nhiêu phần trăm. Ta hãy trả lời cho Thiên Chúa.

Thanh Thanh

Mục lục

 

MỘT TRĂM NĂM TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HỢP NHẤT KITÔ HỮU

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu là sáng kiến đầu tiên của cha Paul Wattson và Mẹ Lurana White, những vị sáng lập cộng đoàn Sư Huynh và Nữ Tử Ơn Cứu Chuộc (Friars and Sisters of the Atonement) tại Graymoor, Garrison, New York vào năm 1908. Họ đã đăt nền móng cho việc cử hành Tuần Tám Ngày Cầu Nguyện Cho Sự Hợp Nhất Kitô Hữu, được duy trì suốt một trăm năm qua.

Một năm sau khi thành lập, năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã chính thức chuẩn nhận cộng đoàn này vào Giáo Hội Công Giáo và chúc lành cho Tuần Lễ Hợp Nhất. Năm 1919, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV cổ vũ việc tuân giữ trong toàn thể Giáo Hội. Vào ngày thứ Sáu 18 tháng Giêng, 2008 này chúng ta mừng kỉ niệm một trăm năm Tuần Lễ Hợp Nhất Kitô Hữu khai sinh.

Biến cố này diễn ra trong lúc người ta nhận thấy Toà Thánh Vatican đang rất quan tâm đến “tinh thần đại kết”. Bằng chứng cho điều này là việc mới xuất bản cuốn sách mang tựa đề Handbook of Spiritual Ecumenism (Sách Hướng dẫn về Đại Kết), New York City Press, của Đức Hồng Y Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Hợp Nhất Kitô. Đức Hồng Y tái khẳng định điều mà Giáo Hội Công Giáo đã tuyên bố trước đây khi tham gia phong trào đại kết: “Cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết” (x. Unitatis Redintegratio, 6- 8).

Việc nhấn mạnh đến tinh thần đại kết không hề coi nhẹ hoặc bỏ qua tiến trình đối thoại thần học, vốn đã mang lại nhiều thành qủa trong những thập niên vừa qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qủa quyết: “Những cuộc đối thoại như thế vẫn luôn là việc thiết yếu. Thật vậy, sự hợp nhất giữa những người tin theo Chúa Kitô chỉ có thể là sự hợp nhất trong chân lí. Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến về mục tiêu này qua những cuộc đối thọai thần học, là cơ hội chắc chắn cho việc làm phong phú lẫn nhau” (x. Bài giảng ngày 25 tháng Giêng, 2003).

Những nhà hoạt động đại kết nghiêm chỉnh đều thừa nhận rằng cầu nguyện và đối thoại cần phải được duy trì song hành khi chúng ta hướng về sự hợp nhất Giáo Hội trọn vẹn và hữu hình. Trên lộ trình này, theo lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cầu nguyện phải giữ vị trí ưu tiên (x. Ut Sint Unum, s. 102). Nhà thần học Yves Congar, dòng Đa minh, thì diễn tả vai trò trọng tâm của việc cầu nguyện bằng một hình ảnh sống động: “Chúng ta chỉ có thể tiến qua cánh cửa hợp nhất bằng đầu gối”.

Năm 1930, tên gọi Tuần Lễ Hợp Nhất Giáo Hội (Church Unity Octave) được đổi thành “Tuần Lễ Hợp Nhất Tông Toà” (Chair of Unity Octave) nhằm nhấn mạnh đến đặc tính trung tâm của sứ vụ Phêrô và tăng cường khái niệm thần học trở về (return theology notion). Diễn tiến khác, một vị sống cùng thời với cha Wattson là tu viện trưởng Paul Couturier, đã đề xuất cử hành chung Tuần Cầu Nguyện cho Hợp Nhất Kitô Hữu vào tháng Giêng. Cuturier nhấn mạnh đến chủ đề: “Sự hợp nhất mà Chúa Kitô muốn, theo cách Người muốn, khi Người muốn”. Khẩu hiệu hợp nhất Giáo Hội này đã dành được sự đồng thuận về ngày cử hành cũng như sự đón nhận chung, nhất là sau đó đã được Công Đồng Vaticanô II đề cập và trình bày trong Hiến chế Lumen Gentium và sắc lệnh Unitatis Redintegratio.

Hiểu Giáo Hội như là sự Hiệp Thông của các mối hiệp thông giúp cho mọi người đã nhận lãnh phép Rửa Tội ý thức họ cũng phải hợp nhất trong Chúa Kitô. Điều này cũng giúp nhìn nhận sự tồn tại những yếu tố giáo hội trong những cộng đồng Kitô khác như là sự diễn tả chân thực và chính đáng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Những gì ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi các anh em li khai cũng có thể góp phần xây dựng chúng ta” (Unitatis Redintegratio s. 4).

Tiếp nối Công Đồng và những sáng kiến mới mẻ về đại kết, cách gọi “Tuần Lễ Hợp Nhất Tông Toà” đã được thay đổi. Người ta duy trì ngày cử hành như đã được lập ra từ đầu, năm 1908 tại Graymoor, và thống nhất tên gọi là Tuần Cầu Nguyện cho Sự Hợp Nhất Kitô Hữu. Từ năm 1968 các đại diện của Hội Đồng Thế Giới các Giáo Hội (tại Geneva) và Hội Đồng Toà Thánh về Hợp Nhất Kitô Hữu gặp nhau để chọn các chủ đề thánh kinh cũng như đưa ra chương trình hoạt động cho Tuần Lễ được cử hành hằng năm trong toàn thể các Giáo Hội Kitô. Tháng Chín, năm 2006 Uy Ban Phối Hợp này tổ chức buổi họp chung lần đầu tiên ngoài Graymoor, ngoài nước Mỹ. Chủ đề được chọn cho năm 2008 là: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 15).

Đã có nhiều nỗ lực và hoạt động được tiến hành dành cho những cuộc cử hành ở tầm mức địa phương. Chẳng hạn, các tu sĩ thuộc Dòng Thánh Phaolô rất hãnh diện về thành công của cha Ricky Manalo, CSP, tu sĩ của dòng đã đoạt giải quốc tế về ca khúc dùng làm chủ đề cho các buổi cử hành dịp kỉ niệm đệ bách chu niên Tuần Lễ Hợp Nhất Kitô Hữu. Nhiều hạng mục tranh giải khác cũng đã được đề xuất để tạo ý thức cho việc cử hành biến cố này, kể cả việc mời gọi các chủng sinh tham gia viết những bài luận văn hướng về chủ đề của tuần cầu nguyện 2008. Đức Hồng Y Kasper sẽ phối hợp với WCC (World Council of Churches) để ấn hành một cuốn sách thu tập những bài viết về đại kết, cũng như về tuần lễ cầu nguyện cho hợp nhất. Người ta cũng tổ chức những cuộc hành hương đi đến Rôma, Canterbury và Lyons.

Sau cùng, chúng ta cũng nên biết các chủ đề thánh kinh đã được chọn trong mười năm qua:

- Năm 1998, Rm 8, 14-27: “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Chủ đề do nước Pháp đề nghị).

- Năm 1999, Kh 21, 1- 7: “Người sẽ cư ngụ cùng với họ, họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa –ở-cùng-họ” (Chủ đề do nước Malaysia đề nghị).

- Năm 2000, Ep 1, 3- 4: “Chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã thi ân giáng phúc cho chúng ta trong Đức Kitô” (Chủ đề do Hội Đồng các Giáo Hội vùng Trung Đông chọn).

- Năm 2001, Ga 14, 1- 6: “Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Chủ đề do nước Rumani đề nghị).

- Năm 2002, Tv 36, 5- 9; Tv 35, 6- 10: “Ngài qủa là nguồn sống” (Chủ đề do CEEC và CEC đề nghị).

- Năm 2003, 2Cr 4, 4- 18: “Chúng tôi lại chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành” (Chủ đề do nước Argentina đề nghị).

- Năm 2004, Ga 14, 23- 31; Ga 14, 27: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Chủ đề do miền Aleppo, nước Syria đề nghị).

- Năm 2005, 1 Cr 3, 1-23: “Chúa Kitô, nền móng duy nhất của Giáo Hội” (Chủ đề do nước Slovakia đề nghị).

- Năm 2006, Mt 18, 18- 20: “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Chủ đề do nước Ireland đề nghị).

- Năm 2007, Mc 7, 31- 37: “Người làm cho kẻ kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được” (Chủ đề do nước Nam Phi đề nghị).

- Năm 2008, 1Tx 5, 17: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (Chủ đề do Hội Đồng Đại Kết Graymoor và Viện Liên Tôn Giáo đề nghị).

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

Mục lục

Nhóm ve chai Nhân Ái giáo phận Hải Phòng

 

II. Thành lập và phát triển

Nhóm ve Chai nhân ái Hải phòng được thành lập ngày 10-1-2006, nhận Thánh Vinh Sơn Phao Lô làm bổn mạng.


Cha đặc trách Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện cùng với số thành viên tham gia là gần bốn mươi người, gồm đủ mọi thành phần, người lớn tuổi nhất là 60 và thấp nhất là 16, Các thành viên là Giám đốc, trợ lý Giám đốc, Công nhân viên chức, Sinh viên, Học sinh cùng với một số thành viên mắc bệnh HIV và một số bạn trẻ ngoài công Giáo.


Các thành viên trong nhóm gặp gỡ nhau vào tối thứ bảy hàng tuần; anh chị em cầu nguyện và phân chia công việc ngày hôm sau.

 

Ngày Chúa Nhật, buổi sáng, anh chị em đến các điểm thu gom ve chai,phân loại ve chai, buổi chiều đi thăm các bệnh nhân HIV,AIDS. Chủ yếu là các bà mẹ và trẻ em bị HIV- AIDS

 

Mục tiêu chính của nhóm “Ve chai nhân ái Hải phòng” được thành lập với mục đích: Bằng những việc làm nhỏ bé của mình sẽ giúp những người anh chị em không may mắc phải HIV/AIDS thoát khỏi mặc cảm, tự ti. Nhờ đó họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vui vẻ, lành mạnh, sống có ích. Với số tiền ít ỏi dành dụm được nhờ việc bán ve chai, cùng với cả trái tim yêu thương của mình, nhóm đã tổ chức rất nhiều chuyến thăm hỏi, động viên những người nhiễm HIV/AIDS và cả những người bị ảnh hưởng của căn bệnh này.


II- Hoạt Động của nhóm


- Thăm bệnh nhân

Trong hai năm qua nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng đã đi thăm được 150 lượt bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân mà nhóm đến thăm có những trường hợp rất đặc biệt như anh C ở khu Đoạn Xá II Thành Phố Hải Phòng mẹ anh C là người Công giáo, còn bố anh thì không vì thế anh không được rửa tội theo Đạo. Khi bố mẹ ly dị anh về sống với bố, sau khi bố mất anh về sống với bác của mình. Lớn lên bị bạn bè rủ rê anh mắc nghiện, anh bị nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong những ngày cuối đời, anh tha thiết xin được theo Đạo, cuối cùng anh cũng được gia đình đồng ý. Nhóm đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp anh về giáo lý. Ít lâu sau ngày rửa tội anh qua đời trong sự bình an vì anh đã được lãnh nhận ơn tha thứ. Khi nhận được tin gia đình ve chai nhân ái đã viếng đám tang anh, dù anh theo Đạo nhưng gia đình vẫn không cho anh làm đám tang theo nghi thức Công giáo. Ngay cả khi nhóm đến viếng cũng không được đọc kinh. Lúc đầu nhóm cũng chỉ định đến viếng đám tang anh nhưng khi thấy vậy anh chị em đã quyết định đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trên con đường đưa tang, chiếc xe tang đi một cách gấp gáp, vội vã, số người đưa tiễn ít ỏi, lẻ tẻ, cùng với thời tiết se lạnh của không gian lúc chập choạng tối, khiến cho không khí đã ảm đạm càng ảm đạm hơn, đã lạnh lẽo càng lạnh lẽo hơn. Vậy là một đám tang đã diễn ra vô cùng chóng vánh. Những anh chị em đi dự đám tang hôm đó lúc về không khỏi cảm thấy buồn bã xót xa.

 

Còn trường hợp của chị S.. ở Huyện Thuỷ Nguyên cũng đáng thương không kém, chị bị nhiễm HIV từ chồng. Chồng chị và hai đứa con nhỏ đã mất sáu tháng trước khi nhóm đến thăm. Chị còn một cháu gái bảy tuổi may mắn không nhiễm, chị hoàn toàn bị gia đình nhà chồng và cả chính gia đình chị bỏ rơi. Trong thời gian chị nằm ở Bệnh viện Lao, gia đình không hề có ai đến chăm sóc, chỉ có những người bệnh cùng hoàn cảnh với chị chăm sóc cho chị. Chị gọi điện về nhà bảo người thân đến đón nhưng cũng không có một ai đến, cho đến khi nhóm đến thăm và một chị cũng mang bệnh tên là Kh… gọi điện về gia đình chị S… nói rằng chị S.. rất yếu, có lẽ không qua khỏi, và xin gia đình đến đón chị về. Chị đã qua đời vào tháng 10/2006.


Chị L.. ở Huyện Kiến Thuỵ cũng nhiễm HIV từ chồng, khi nhóm đến thăm, chị đang mang thai. Để đứa trẻ sinh ra được an toàn, giảm nguy cơ nhiễm HIV thì chị phải sinh cháu ở bệnh viện khoa sản, nhưng vì gia đình chị rất khó khăn nên chị không đến bệnh viện khoa sản được. Nhóm đã hỗ trợ cho chị một khoản tiền để sinh cháu. Hiện nay đứa trẻ đã được sinh ra một cách an toàn.


Cháu K… ở Huyện Thuỷ Nguyên cũng rất đáng thương, K là trẻ nhiễm HIV đã mồ côi cả cha và mẹ. Cháu còn hai người chị gái may mắn không nhiễm HIV, hiện ba chị em K đang sống với bà nội đã ngoài 70 tuổi, hoàn cảnh hết sức khó khăn.


- Viếng đám tang


Có những người bệnh sau khi được nhóm đi thăm hỏi động viên đã khoẻ lên nhiều, thậm chí có người còn không thể đi được và rất yếu nhưng sau khi được chị Kh tư vấn đến địa chỉ điều trị và cấp thuốc miễn phí thì đã khoẻ lại và có thể đi làm được. Nhưng cũng có người bệnh sau khi nhóm đến thăm ít lâu thì đã qua đời. Mặc dù rất đáng buồn, nhưng ít ra nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng cũng được an ủi rằng họ ra đi thanh thản bởi trước khi nhắm mắt xuôi tay họ đã biết họ đã không hề cô đơn, không hề bỏ rơi, rằng vẫn còn có ai đó yêu thương họ. Nhóm “Ve chai” mỗi khi đi viếng đám tang luôn có một lẵng hoa trên đó có dòng chữ “Chúng tôi luôn nhớ tới bạn”.


Vâng, dù họ không còn nữa nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ đến họ, những người anh chị em kém may mắn của chúng ta.


- Gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ

 

Nhân dịp tết thiếu nhi CLB Tình Biển nhờ nhóm tổ chức vui chơi và tặng quà cho hơn 60 em bao gồm trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV tại Trung tâm thương mại Nhà Cánh diều gần Đồ Sơn.

 

-Tham gia CLB mẹ và vợ những người bị HIV đã nhờ chúng nhóm ra bãi biển Đồ Sơn tổ chức vui chơi cho 80 em là trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Về Giáo xứ Suý Nẻo-Tiên Lãng trao 40 phần quà cho các em đã đạt thành tích cao trong học tập, 40 phần quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Giáo xứ. Tổ chức cho các em lớp học tình thương đi tham qua thắng cảnh tại Vĩnh Bảo Hải Phòng. Đến bệnh viện Nhi-Hải Phòng thăm hỏi và hỗ chợ cho 80 gia đình. Đặc biệt trong đó có 28 em bị nhiễm HIV/AIDS đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang sống với ông (bà). Trong đó có bà L ở Đông Hải Tp.Hải Phòng đang phải nuôi dưỡng hai cháu gái bị nhiễm HIV/AIDS (bé H.. 7 tuổi, bé M… 4 tuổi).Về trạm y tế xã An Lư- Thuỷ Nguyên để gặp gỡ và tổ chức trò chơi cho 60 em học sinh (là trẻ nhiễm HIV/AIDS và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS). Sau đó nhóm phát quà cho các em nhân dịp năm học mới.Về Kiến An tổ chức vui chơi cho 45 em ở An Lão, Kiến Thụy, Kiến An. Các em là trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đã mồ côi cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Trong đó có một số em nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức Trung thu cho các em lớp tình thương tại Nhà thờ Chính toà Hải Phòng. Nhân dịp Noel tại Nhà thờ Chính toà nhóm đã gặp gỡ và tặng quà cho 25 em nhiễm HIV thuộc nội thành Hải Phòng. Trong đó có em đã mồ côi cha hoặc mẹ. Tổ chức vui chơi Noel và phát quà cho các em nhỏ lớp tình thương tại Nhà thờ Chính toà. Tổ chức vui chơi và phát quà Noel năm 2006 cho các em mồ côi ở nhà tình thương An Toàn tại Nhà thờ An Hải. Vui Tết Trung thu với các em nghèo Giáo xứ Khúc Giản. Thăm và giúp đỡ cho anh chị em thuộc Giáo xứ Thổ Hoàng, Giáo Phận Vinh. Tổ chức phát quà cho các em bị câm điếc, và các em bị ảnh hưởng cũng như bị nhiễm HIV trong dịp Noel 2007. Dịp chuẩn bị tết Nguyên Đán năm nay Nhóm đã có chương trình phát quà cho 50 bà mẹ và trẻ em bị nhiễm, cũng như nhiều địa chỉ những gia đình nghèo khó để mọi người được an ủi trong dịp đón một cái Tết Cổ truyền vui vẻ. Ngoài ra Nhóm còn tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân và những người đã chết vì căn bệnh Thế kỷ này.


Tổng kết: Thời gian đầu mới thành lập nhóm, chưa có kinh nghiệm trong việc thu lượm ve chai cũng như chương trình đi thăm bệnh nhân một cách tổng hợps, không kể tuổi tác, nam, nữ. Nhưng từ nửa cuối năm 2006 cho đến nay, Nhóm ve chai nhân ái tập chung sự quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ và trẻ em mang bệnh HIV/AIDS là đối tượng đáng thương hơn cả.


Trong năm 2008 này các bà mẹ và trẻ em sẽ là đối tượng quan tâm chính của nhóm. Đặc biệt là trẻ nhiễm HIV đã mồ côi cha (mẹ) hoặc cả cha lẫn mẹ. với phương châm của nhóm là: Phải làm gì để các bà mẹ và trẻ em có cuộc sống tốt đẹp hơn?

 

Thảo Hiền

Mục lục

 

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

LÒNG QUẢNG ĐẠI BAO LA ĐỐI VỚI TRẺ EM MỒ CÔI


Vào tháng 10 năm 1851 nơi thành phố Bologna (Trung Ý) chào đời một bông hoa khiêm tốn, hứa hẹn tỏa hương thơm ngát các nhân đức. Cha mẹ đặt tên cho bé là Luxia. Chẳng bao lâu sau, cô bé sớm tỏ lộ kho tàng nhân hậu. Bé mĩ miều duyên dáng và ngoan hiền. Ai ai cũng quý chuộng bé. Mọi người âu yếm gọi bé là ”Zaffiro - Lam Ngọc” (ngọc xanh) một thứ ngọc quí mang màu xanh biếc của bầu trời bao la.

Thế nhưng định mệnh khắt khe. Năm lên 15 tuổi Luxia mất cùng lúc cả Mẹ lẫn Cha. Đàn con 5 đứa - mà Luxia là trưởng nữ - bơ vơ côi cút. Luxia đem trọn khả năng và tình thương chăm sóc 4 em trai. Nhưng chính quyền thành phố cùng gia tộc không nỡ để Luxia phải quá vất vả. Họ quyết định chia lìa 4 em trai. 2 em trai lớn được gởi vào Viện Mồ Côi do các nữ tu dòng Thánh nữ Louise de Marillac (1591-1660) điều khiển. 2 em trai nhỏ hơn được 2 gia đình giàu có trong vùng nhận làm con nuôi. Thế là 5 chị em chịu cảnh phân ly tan nát! Kể sao xiết niềm đau xé ruột của Luxia!

Luxia buồn đến độ một ngày cô đến trước bức tượng Đức Mẹ MARIA và long trọng thề hứa với Đức Mẹ:

- Thưa Mẹ, sau này khi hoàn cảnh cho phép, con sẽ dâng hiến cuộc đời con chăm sóc các trẻ mồ côi và các em bé bị bỏ rơi, hầu không một trẻ nào phải nếm mùi khổ đau giống như niềm đau con đang trải qua!

Riêng phần Luxia cô thiếu nữ van xin quan tòa cho cô tự lập tự túc. Cô đến tuổi có đủ khả năng tự lo liệu. Cô có thể kiếm kế sinh nhai mà không phiền lụy đến ai. Quan tòa đồng ý.

Từ đó Luxia mỗi ngày đi làm công nơi Viện Dưỡng Lão. Cô quét dọn phòng ốc và phục dịch bữa ăn cho các bậc lão thành. Một tuần Luxia đi làm trọn 6 ngày. Chúa Nhật Luxia nghỉ ở nhà. Cô dành Chúa Nhật đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Luxia ở lại nhà thờ lâu thật lâu để cầu nguyện.

Nơi nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ MARIA. Luxia thường đến trước bức tượng và đọc kinh Kính Đức Mẹ. Luxia sốt sắng đọc lời Kinh hiền mẫu dạy ngay từ thưở còn thơ:

- Kính Mừng MARIA đầy ơn phước. Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và GIÊSU Con lòng Bà gồm phước lạ. Thánh MARIA Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Sau Thánh Lễ Chúa Nhật Luxia dành thời giờ còn lại cho việc trau dồi kiến thức.

Cứ thế tuổi trẻ Luxia bình lặng trôi qua trong âm thầm ẩn kín giữa công việc nơi Viện Dưỡng Lão và dưới bóng che chở của Bức Tượng Đức Mẹ MARIA nơi thánh đường. Tiền công nhận được Luxia gom góp để dành từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ. Bằng mọi cách Luxia mong muốn ngày kia có thể thực hiện ước nguyện giúp đỡ các trẻ mồ côi.

Một hôm Luxia nhận được số tiền khá lớn do người chú quá cố trối lại. Luxia vui mừng không kể xiết. Cô bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án lớn lao: Xây cất Ngôi Nhà Tình Thương. Nhà Tình Thương có mục đích tiếp nhận và dưỡng dục trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi. Nhà Tình Thương dâng kính ĐỨC MARIA - Mẹ THIÊN CHÚA.

Nơi Căn Nhà Tình Thường tất cả trẻ mồ côi được chăm sóc và lớn lên như trong mái ấm gia đình thật sự. Bởi vì, hết mọi trẻ em mồ côi đều được dạy dỗ yêu mến Đức MARIA như Mẹ thật của mình. Đức Mẹ MARIA chính là Hiền Mẫu Thiên Quốc luôn luôn hiện diện sống động trong cuộc đời mỗi một người.

Luxia mời một số thầy cô lo việc giáo dục và dạy nghề cho các trẻ tùy theo khả năng từng trẻ.

Từ đó Luxia thật hạnh phúc với ước nguyện thành tựu. Cô cống hiến trọn tình thương, sức khoẻ và năng lực cho công việc điều hành Ngôi Nhà Tình Thương. Ngoài ra Luxia còn nuôi ước nguyện thầm kín khác: được gặp lại 4 em trai trên Thiên Đàng. Nhưng Hiền Mẫu Thiên Quốc cho Luxia toại nguyện ngay ở đời này. Cả 5 chị em lại sum họp trong cùng căn nhà, bởi lẽ giờ đây Luxia có đủ khả năng và phương tiện để lo cho các em. Luxia chỉ còn biết dâng lời tri ân THIÊN CHÚA Nhân Lành và Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA dấu yêu.

... ”Chỉ trong THIÊN CHÚA mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng. Nhờ THIÊN CHÚA, tôi được cứu độ và vinh quang. Người là núi đá vững vàng, ở bên THIÊN CHÚA tôi hằng ẩn thân. Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi. Trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: THIÊN CHÚA là nơi ta ẩn náu” (Thánh Vịnh 61,6-9).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, n.1, 4-1-2004, trang 18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

TÀI LIỆU THƯỜNG HUẤN LINH MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT 2007

 

HÀNH TRÌNH TÌM VỀ NGUỒN ĐỂ TRI ÂN :“NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO

CỦA CÁC CHA DÒNG CHÚA CỨU THẾ”.

 

Quay về quá khứ, nhìn lại một chặng đường tương đối khá dài của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế trong công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc Kơho ở Giáo Phận Đàlạt như là một lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse vì những ơn huệ nhưng không, cao vời các Đấng đã ban cho Nhà Dòng Chúa Cứu Thế qua các cha, các thầy đã dấn bước phục vụ Chúa, phục Hội Thánh và Giáo phận trong việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho các anh chị em Dân tộc Kơho, một mảng truyền giáo của Giáo Phận Đàlạt nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 80 năm truyền giáo cho anh chị em Dân tộc thiểu số kể từ ngày 07.12.1927, khi Đức Cố Giám Mục Jean Cassaigne rửa tội cho bà Maria K’Trut, người Dân tộc đầu tiên tin nhận Chúa và gia nhập Hội Thánh. Nhìn lại những chặng đường truyền giáo của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế cho anh chị em Dân tộc Kơho ở vùng Fyan, La Ba, Phú Sơn để tri ân các ngài về tình thương, lòng hy sinh xả kỷ của các ngài và cố gắng tìm ra những nét đặc biệt của các ngài trong công cuộc loan báo Tin Mừng để học hỏi, noi gương những vị thừa sai tiền bối đã để lại một gia sản quí báu cho Giáo Hội, cho Giáo Phận Đàlạt là một số đông anh chị em Dân tộc được biết Chúa, được rửa tội làm con cái Chúa và con cái Hội Thánh.

I. HÀNH TRÌNH TÌM VỀ NGUỒN :

1. Tại sao các cha Canađa lại chọn truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho ?

Đọc lại các tài liệu, các ký sự và nhật ký của các cha Canađa chúng ta nhận thấy có một cái gì đó thật diệu kỳ và lạ lùng. Tất cả các cha Canađa dấn thân phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng cho anh chị em Dân tộc ở vùng Fyan, La Ba đều hoàn toàn tự nguyện. Các ngài đến ở Fyan, La Ba là do tình thương của các ngài đối với những con người nghèo khó, những người bơ vơ vất vưởng, sống hết sức hoang sơ trong một vùng rừng núi mênh mông bạt ngàn của tỉnh Tuyên Đức và quận Đức Trọng xưa. Các cha Canađa đến phục vụ cho anh chị em Dân tộc Kơho ở Fyan, La Ba đều là những cha đã có rất nhiều công lao đối với Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam trong những giai đọan đầu : “Có cha đã đi khắp đất nước Việt Nam, đã đi Thái Lan, Campuchia để giảng đại phúc ; có cha đã là giáo sư Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, có cha là Bề Trên phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, có cha là Giáo Tập, Giám Học Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế, có cha là những người giỏi về máy móc, xây dựng nhà cửa, kỹ thuật giỏi dẫn thủy nhập điền, giỏi thủy lợi…” Các ngài sau khi đã làm nhiều việc giúp xây dựng nền móng Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và khi Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã đủ nhân sự, đủ lông đủ cánh và trưởng thành, các ngài đã tự nguyện chọn một mảng loan báo Tin Mừng cho anh chị em Dân tộc Kơho, rao giảng Đức Kitô cho những người Dân tộc chưa biết Chúa tại vùng rừng núi Fyan, La Ba. Các ngài chỉ có một lý do hết sức đơn giản là muốn trở về với mục đích đầu tiên của Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, thánh Anphong đệ Liguori năm 1732 : “Rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khó, những người bơ vơ, vất vưởng, những Anawim của Thiên Chúa”.

2. Những cái duyên gặp gỡ và chọn lựa :

Vào năm 1955, Phụ Tỉnh, được sự đồng ý của Tỉnh Mẹ, đã quyết định lập tại Fyan, La Ba một đồn điền, với mục đích chính yếu là tăng thêm lợi tức, nhằm phục vụ công việc của Phụ Tỉnh. Ngày 01.12.1955, một hợp đồng mua bán đất đã được thực hiện giữa Phụ Tỉnh và bà Papadato, theo đó, Phụ Tỉnh sẽ sở hữu 49,7 hécta đất . Đây là một đồn điền cà phê đã bị hoang hóa. Ngày 16.12.1955, Hội Đồng Cố Vấn Phụ Tỉnh họp tại Đàlạt để nghe cha Antôn Lapointe trình bày bản quy hoạch đồn điền và chương trình phát triển đồn điền.

Ngày 08.12.1955, cha Alphonse Tremblay cùng với các thầy Liguori, Eugène và Modeste lãnh ấn tiên phong trong sứ mạng mới này, và đây cũng là ngày được chọn làm ngày khai sinh cộng đoàn. Tháng giêng 1956, cộng đoàn chia tay với cha Alphonse Tremblay và vui mừng đón nhận cha Antôn Lapointe làm thành viên. Ngài sẽ là vị Bề Trên tiên khởi của cộng đoàn và là người sẽ gắn bó với mảnh đất này cho tới khi qua đời (05.5.1971).

Ngay đầu năm 1956, cha Antôn Lapointe và quý thầy đã bắt tay vào việc khai hoang và trồng các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, cam, chuối. Công việc bộn bề, nhân lực thiếu, vì thế, các ngài đã phải mướn nhân công là những anh em người Dân tộc trong vùng. Từ những tiếp xúc và trao đổi hằng ngày trong công việc, tiếng tốt về các vị khách mới đã về tận các buôn làng. Thế là buôn làng rộng mở đón các vị thừa sai bước vào. Công việc mục vụ đầu tiên các ngài thực hiện là đến thăm các gia đình, chăm sóc y tế cho những người tật bệnh đau yếu, cung cấp gạo cho những người đói ăn. Những hoạt động này còn tiếp tục cho tới những năm đầu thập niên 1970. Cộng đoàn tông đồ Fyan, La Ba có mặt từ chính những cuộc gặp gỡ thiết thân này. Mục đích tìm thêm lợi tức giờ đây trở thành thứ yếu. Thực tế, nguồn lợi tức mà đồn điền mang lại đã không đủ phục vụ công việc truyền giáo tại đây, cho dù, nhờ khai hoang, số đất đã tăng lên đến hơn 100 hécta.

Từ đây việc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc bắt đầu.

3. Các địa điểm truyền giáo các cha Canađa đã chọn :

Ngày 25.7.1956, cha Sylvère Drouin được cử tới Fyan, La Ba để tăng cường thực hiện lọai tông đồ mới này. Tháng 02.1957, Trung Tâm Truyền Giáo dành cho người Dân tộc được khởi công xây dựng tại Ngọc Sơn, La Ba theo đồ án của cha Sylvère Drouin, với mục đích trước hết là đem văn minh khoa học vào các thôn làng, nhưng chính yếu là đem văn minh cứu độ tới mỗi người dân. Tại Trung Tâm, một ngôi trường dành riêng cho con em người Dân tộc đã được xây dựng. Để có đủ số học sinh cho các lớp học, cha Sylvère Drouin đã phải lặn lội vào các buôn làng, với túi thuốc và bộ đồ nghề cắt tóc trên tay, thuyết phục dân chúng cho con em đến trường. Tại đây, các em được dạy đọc và viết tiếng Kơho, tiếng Việt và tiếng Pháp ; bên cạnh đó, các em được học giáo lý. Sau 3 năm từ năm 1957 tới năm 1960, 55 em Dân tộc đã được diễm phúc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Tất cả những em theo học tại đây, sau khi kết thúc giai đoạn học tập, sẽ là những hạt nhân cho các buôn làng. Tính đến năm 1961, cộng đoàn Fyan, La Ba đã rửa tội khoảng 2.500 người Dân tộc.

Ngày 16.02.1958, cha Maurice Benoit tới Fyan, La Ba.

Đầu thập niên 1960, hai tu viện đã được xây dựng tại Fyan, La Ba, một cho quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế và một cho các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn. Hai tu viện và hai cộng đoàn này là trung tâm xuất phát các thừa sai phục vụ trong một môi trường truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho rộng mênh mông trải dài từ Ganreo, Đức Trọng tới tận Đamrông, Krông Kơnô.

Và cũng vào thời điểm này, nghĩa là vào đầu thập niên 1960, vấn đề truyền giáo của các cha, các thầy ở Fyan, La Ba bước sang một trang mới. Vấn đề đặt ra cho các cha thừa sai là cần phải xây dựng nơi thờ tự cho những anh chị em đã đón nhận Tin Mừng, cũng như tổ chức cách sống của các vị thừa sai sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Vì, theo thói quen và do công việc, anh chị em Dân tộc Kơho thường chọn rừng làm nơi sống ban ngày và chỉ trở về bản làng khi trời đã tối. Vì thế, một cộng đoàn thừa sai được tổ chức chặt chẽ như Quy Luật Dòng đòi hỏi xem ra không thích hợp ; và càng không thích hợp nếu chỉ xây dựng nhà thờ tại Trung Tâm Fyan. Do đó, hàng loạt giáo điểm với nhà nguyện cho các giáo điểm đã được xây dựng tại các buôn làng, nhờ đó, quý cha, quý thầy được ở gần dân, giúp họ thăng tiến về mọi mặt, cũng như nhờ đó, người Dân tộc có thể đến với các vị thừa sai cách dễ dàng. Tại mỗi giáo điểm đều có các trạm phát thuốc miễn phí và các lớp giáo lý thường kỳ.

Ngày 10.4.1958, giáo điểm Liên Hùng (nay là Phisrồn, Đamrông) được thành lập. Tại đây cha Maurice Benoit đã sống như một công nhân và một kỹ sư xây dựng.

Năm 1959, hai giáo điểm mới được thành lập : một tại Phikoh và một tại Đàrơmăng (nay thuộc huyện Đamrông).

Mùa thu năm 1959, cha Thomas Côté và cha Philippe Vaillancourt tới Fyan.

Năm 1960, có thêm cha Michel Laliberté.

Ngày 27.5.1961, linh mục Việt Nam đầu tiên tới Fyan là cha Antôn Vương Đình Tài. Từ đây, Fyan trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các hoạt động của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và hân hạnh ghi nhận dấu chân của nhiều vị thừa sai Canađa cũng như Việt Nam.

Năm 1961, hai giáo điểm Kơya và Sôăn được hình thành. Mùa thu năm ấy, cha Antôn Lapointe cho xây dựng một nguyện đường tại Tơrlăngtô (thuộc xã Phi Liêng, Đamrông ngày nay).

Năm 1962, ba giáo diểm Đampău, Đanùng và Rơlơm đi vào hoạt động. Cũng trong giai đoạn những năm này, các giáo điểm khác như Đamrông, Romen, Yalu, Riôngtô, Phisur (nay thuộc xã Phitô, Lâm Hà), Srê Dà Đờng (đường Rơlơm đi vô), Plontum (Thanh Bình), Ganreo (Đức Trọng)… đều được hình thành và đi vào hoạt động.

Vào năm 1966, Philiêng (Đamrông) và Prơtèng (Phú Sơn) có nhà trường và nhà nguyện.

Trong chiến tranh, từ 1962 – 1975, các cơ sở này hầu như bị tàn phá và thiêu rụi do cả hai phe tham chiến.

4. Những gương mặt truyền giáo nổi bật :

a. Cha Antôn Lapointe

Cha Antôn Lapointe là một gương mặt truyền giáo nổi bật nhất trong các cha các thầy Dòng Chúa Cứu Thế làm công việc loan báo Tin Mừng tại Fyan, La Ba. Ngài đã đi khắp Bắc, Trung, Nam, Thái Lan, Campuchia để giảng đại phúc và truyền giáo. Ngài là một người có tài lợi khẩu, một nhà hùng biện bẩm sinh, một nhà xã hội, một người có tài tổ chức, trí óc rất khôn ngoan và lòng nhiệt thành phục vụ những người nghèo. Đọc lại tiểu sử, hồi ký và nhật ký của vùng truyền giáo Fyan, người ta không khỏi ngạc nhiên vì trước năm 1957, Fyan có hơn 50 buôn làng Dân tộc hệ phái Kơho nằm rải rác ở các triền núi, triền đồi hẻo lánh, xa xôi. Có những bản làng nằm tuốt trong rừng già hiểm trở, nước độc… Mỗi buôn làng chỉ có khoảng 50 tới 250 nhân khẩu. Người ta vẫn gọi những người này là man di, hoang dã vì họ ít khi được tiếp xúc với thế giới văn minh, ít khi được tiếp xúc với người Kinh, người nước ngoài. Hầu hết cuộc sống của họ còn tùy thuộc vào thiên nhiên : Họ đánh bẫy, bắn ná, bắn cung để giết thú rừng, họ trồng lúa rẫy, trồng mì, trồng khoai lang để sinh sống. Họ không có trường học, không có trạm xá. Đời sống còn hoàn toàn tăm tối và mê tín dị đoan. Họ là những người chưa được khai phóng. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có chương trình của Ngài. Cha Antôn Lapointe là người gặp gỡ những người Dân tộc đầu tiên tại đồn điền cà phê Fyan và nhờ những viên thuốc quinine, chloroquine, aspirine, các anh chị em Dân tộc Kơho lúc đó đang bị hoành hành vì bệnh sốt đã được chữa lành. Lập tức cha Antôn Lapointe được đồn thổi như “một vị phù thủy mới”, quyền năng gấp bội so với mọi phù thủy đang hành nghề trong vùng. Tài chữa bệnh của ngài thật đơn giản : “không cần cúng dê, cúng vịt, cúng gà, không cần rượu đế, rượu cần, không cần bầy biện đồ cúng và cũng không cần đích thân đến nhà, nhưng chỉ cần vài viên thuốc mầu vàng, đỏ, nâu hay trắng, gói đem về nhà xa uống vẫn hiệu nghiệm. Nhờ tài chữa bệnh và nhờ thiện cảm, các anh chị em Dân tộc đã để cho ngài nói về Chúa cho họ và lạ lùng thay người Dân tộc đã chấp nhận tin vào Chúa. Ngài được các anh chị em Dân tộc gán cho biệt danh cha già (Bàp kra) vì ngài có bộ râu rất đáng kính.

Cha Antôn Lapointe đã làm việc truyền giáo tại đất nước Việt Nam trong 40 năm từ năm 1931 tới 1971. Ngài đã phục vụ người Dân tộc từ năm 1956 tới năm 1971. Trong 15 năm loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho ở Fyan, cha Antôn Lapointe đã làm được nhiều việc rất tốt đẹp và được mọi người nể trọng, ngưỡng mộ. Ngài qua đời ngày 08.5.1971 và thân xác ngài đươc chôn cất bên hông phải phía trước nhà thờ Rơlơm, Đại Đờn.

b. Cha Sylvère Drouin :

Cha Sylvère Drouin vào Fyan năm 1956 đồng thời với cha Antôn Lapointe để tăng cường cho mảng truyền giáo mới cho anh chị em Dân tộc Kơho. Ngài còn rất trẻ, nên người Dân tộc đặt cho ngài biệt hiệu là Cha Pơnu (Cha trẻ). Cha Sylvère Drouin rất yêu mến người Dân tộc, ngài đã kết thân với hai cậu cháu người Dân tộc ở Bòn (làng) Tron (gần Đàlạt) là K’Song và K’Kràng. Ngài chiếm cảm tình của mọi người nhờ sự hiền lành, khiêm nhượng, nhờ bộ tông đơ hớt tóc và nhờ những túi thuốc Tây như Parécétamol, élixir parégorique, quinine, vitamine C… mang theo bên mình mỗi lần đi vào các làng, bản Dân tộc. Ngài gây thiện cảm với người Dân tộc và người Dân tộc cũng có thiện cảm với ngài. Do đó, dần dần có nhiều người Dân tộc xin theo đạo và xin gia nhập đạo. Cha Sylvère Drouin là người làm việc trí thức : Ngài dậy các em Dân tộc học tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng La Tinh. Ngài học tiếng Dân tộc rất sành sõi. Ngài cùng một số anh em Dân tộc trí thực dịch sách đạo, giáo lý, Kinh Thánh, dịch các bài hát tiếng Pháp ra tiếng Dân tộc. Cha Sylvère Drouin đã để lại rất nhiều dấu ấn và kỷ niệm cho người Dân tộc ở Fyan.

Cha Sylvère Drouin sinh ngày 18.11.1917, qua đời ngày 19.6.1994 tại Canađa và được chôn cất tại nghĩa trang Nhà Dòng Sainte Anne de Beaupré Canada.

c. Cha Maurice Benoit :

Cha Maurice Benoit đến Fyan vào ngày 16.02.1958. Ngài rất giỏi về kỹ thuật : xây dựng nhà cửa và đúng là một kỹ sư thủy lợi. Ngài đã có công rất nhiều trong việc tập cho người Dân tộc biết tương thân tương trợ lẫn nhau. Chính vì thế, ngài đã lập ra những hợp tác xã cho anh chị em Dân tộc vay vốn, không lấy lời. Hợp tác xã nhiều thể loại như hợp tác xã lúa, bắp, hợp tác xã máy cầy… Tất cả những hình thức này nhằm tạo cho người Dân tộc biết làm ăn, biết giúp đỡ nhau thăng tiến. Xem ra lúc đầu những hợp tác xã này cũng mang lại được một số kết quả tốt, nhưng lâu dài không có kết quả bao nhiêu vì người Dân tộc quen sống độc lập và nhiều ỉ nại vào người khác. Vì có tài xây dựng nhà cửa, nên đi đâu, cha Maurice Benoit cũng dựng nhà một cách dễ dàng. Ngài còn có tài dẫn thủy nhập điền, không có bằng kỹ sư, nhưng đúng là kỹ sư thủy lợi. Ngài đã dẫn nước từ nguồn mạch trên núi cho cả dân ở Ngọc Sơn, Fyan dùng từ những năm các cha Canađa mua sở đồn điền cà phê Fyan cho tới ngày hôm nay năm 2007, đường dẫn nước vẫn còn dùng tốt. Ngài cũng đã dẫn nước cho dân ở Kim Thạch, Tùng Lâm dùng… Ngài là một con người rất nhiệt thành trong công tác tông đồ và xã hội.

Cha Maurice Benoit sinh ngày 23.4.1918, qua đời tại Canada ngày 25.5.2003 và được chôn cất tại nghĩa trang Sainte Anne de Beaupré.

d. Cha Michel Laliberté :

Cha Michel Laliberté đến Fyan vào năm 1960. Ngài là một linh mục rất năng nổ và đầy tình nhân ái. Ngài biết kỹ thuật về xe hơi giỏi. Nên, ngài đã lập hai garage : một ở Đampău và một ở Đanùng. Ngài biết tiếng Dân tộc rất thành thạo. Ngài luôn cử hành lễ hát bằng tiếng Dân tộc Kơho. Ngài đi hết làng nay qua làng khác để dậy giáo lý, giới thiệu Đức Kitô cho người Dân tộc. Ngài luôn luôn không quản khó khăn. Ngài sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ngài có lòng bao la như một người mẹ. Anh chị em Dân tộc rất thích đến với ngài. Ngài rất yêu mến những trẻ em Dân tộc và luôn luôn muốn qui tụ các em tới với ngài để ngài dậy dỗ, hướng dẫn và nâng đỡ. Ngài ước mong được chết trong vùng truyền giáo, nhưng biến cố năm 1975 đã không thỏa nguyện mong ước của ngài.

Ngài đã trở về Canada và vẫn còn đang sống ở Nhà Dòng Sainte Anne de Beaupré. Ngài sinh ngày 29.8.1915. Năm nay đã 92 tuổi.

5. Thử tìm lại đường lối truyền giáo của các ngài :

Nói đến phương pháp truyền giáo là nói đến những lý thuyết, những bài học, những lý luận, những phương cách để làm công việc loan báo Tin Mừng. Mà nếu đã nói đến phương pháp, những bài học, những cách thức để làm công việc truyền giáo, thiết tưởng nó chỉ nằm trong sách vở và có nơi áp dụng được có nơi không thể áp dụng. Có người đi đến với người Dân tộc bằng cách này thì thành công, nhưng người khác dùng cách ấy lại không có kết quả. Tuy nhiên, vào thời nào, học ở đâu, người ta vẫn phải học về phương pháp truyền giáo. Đọc lại hồi ký và ký sự cộng đoàn của các cha Canada, nhất là những bài các ngài viết trong những số Missions Rédemptoristes từ năm 1963 – 1964, chúng ta nhận thấy, các cha Canada Dòng Chúa Cứu Thế đã tới với anh chị em Dân tộc một cách rất bình thường, các ngài đến với họ bằng tất cả tình thương. Điều này, theo cảm nghĩ của con là điều căn bản. Các ngài đã bỏ quê hương, bỏ cha mẹ, anh chị em, những người thân thương của các ngài để đến với những anh chị em Dân tộc Kơho vùng sâu vùng xa, hẻo lánh, thiếu thốn mọi sự, thiệt thòi mọi sự. Các ngài đã chấp nhận vùng rừng sâu, nước độc, muỗi, ruồi vàng và những căn bệnh sốt rét còn tràn lan. Các ngài đã chấp nhận một vùng mất an ninh, đi đâu, ở đâu cũng nơm nớp lo sợ súng đạn và chiến tranh. Các ngài đã chấp nhận những con người man di, thiếu văn minh và đầy những hủ tục, những phong tục, những mê tín dị đoan hoàn toàn khác với những con người, những đất nước văn minh. Các ngài đã chấp nhận một sắc dân nói tiếng khác lạ, tiếng nói các ngài đã mất biết bao công sức học là tiếng Việt Nam, nhưng đến vùng Fyan, các ngài chấp nhận một ngôn ngữ thiểu số hoàn toàn mới lạ, hoàn toàn làm lại từ đầu, các ngài lại phải đổ mồ hôi nước mắt, đổ nhiều công sức để học thêm một thổ ngữ mới mẻ và lạ lùng. Ngôn ngữ chính là chìa khóa đi vào lòng người, đi vào nếp sống và tập tục của người Dân tộc. Các ngài đã chịu khó, miệt mài học ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục, tập quán của người Dân tộc Kơho. Qua việc học tiếng, các ngài đã tiếp xúc, đã sống gần gũi, đã tỏ ra rất thân thiện với người Dân tộc. Các ngài đã cảm thông, chấp nhận và coi họ như những người anh em của mình. Đường hướng phục vụ của các ngài là sống yêu thương, hòa đồng và hết sức tế nhị, tôn trọng người Dân tộc. Người Dân tộc dần dần nhận ra tình thương của các cha, nên họ chấp nhận các cha và hết sức cởi mở, lắng nghe các cha dạy bảo về Tin Mừng, về đời sống nhân bản, đời sống đời thường. Ngoài cuộc sống đời thường, ngoài các phương pháp hết sức đời thường, mang đầy tình người, các cha Canada đã chọn một nếp sống siêu thoát Tin Mừng để phục vụ, để sống với anh chị em Dân tộc. Các ngài đã noi gương Chúa Giêsu và có những tâm tình như chính Đức Giêsu (Pl 2,5). Đó là tâm tình của vị mục tử tốt lành, yêu mến đến cùng những anh chị em Dân tộc mình phục vụ, biết thương xót họ, hiền hậu và khiêm nhu mở rộng lòng đón tiếp họ, giới thiệu cho họ Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đến quên cả mệt mỏi, ăn uống và nghỉ ngơi… Trên hết mọi phương pháp, các ngài đã luôn trung thành và gắn bó với việc cầu nguyện. Các ngài đã cảm nghiệm sâu sắc lời của thánh Phaolô tông đồ : “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu cho được một số” (1Cr 9,22).

6. Tri ân các bậc tiền bối :

Nhìn lại một con đường, quay lại những chặng hành trình truyền giáo của các cha Canada, các cha Việt Nam và các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đã dấn thân phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho tại Fyan, chúng ta không ngừng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse đã làm những việc thật lạ lùng và kỳ diệu cho vùng truyền giáo Fyan, Lâm Hà. Những chặng đường các cha Canada, các cha Việt Nam và các thầy Dòng Chúa đã đi qua : thời gian mới có 50 năm. Năm mươi năm quả thực chưa dài lắm đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam đã trải dài hơn 300 năm. Nhưng đây là những chặng đường tình yêu và hồng ân. Hồng ân và tình yêu, Thiên Chúa đã gửi cho vùng truyền giáo Fyan những bậc cha anh nhiệt thành, đạo đức và phục vụ theo cách của Chúa Giêsu. Hồng ân ấy là “các bậc tiền bối đều là những thành phần ưu tú : Cha Anphong Tremblay là Giám Phụ tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế ; cha Gioan Labonté là Giám Đốc Học Viện và là Giám Phụ tỉnh ; cha Antôn Lapointe là nhà truyền giáo, giảng thuyết lỗi lạc ; cha Thomas Côté là giáo sư Học Viện và là một nhà trí thức giỏi giang”. Đó là những con người, nhưng là những “hồng ân”, Thiên Chúa ân ban cho vùng truyền giáo Dân tộc Kơho Fyan. Các ngài là gốc, là rễ, là nền, từ đó vùng truyền giáo Fyan được xây dựng và phát triển. Hầu hết các ngài đã khuất sau một chặng đường hy sinh, mệt mỏi và vất vả để làm cho vùng truyền giáo Fyan sinh hoa kết quả tươi tốt. Có thể nói, tên tuổi của các ngài đã và sẽ còn là niềm tự hào, là tấm gương, là niềm khích lệ to lớn đối với mọi người Dân tộc Kơho vùng Fyan, La Ba và đối với các thế hệ đàn em đang tiếp nối sứ mạng của các ngài trong vùng Fyan, Lâm Hà. Sự nghiệp của các ngài vẫn là những thách đố cho các thế hệ kế thừa và vẫn là “lời rao giảng” về tình yêu cho thế giới, cho con người, cho mỗi người.

Tri ân các bậc tiền bối để cùng Mẹ Maria ngợi khen Thiên Chúa : “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại, Danh của Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49).

7. “Phaolô trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Co 3,6)

Nhìn lại biến cố các cha Canađa, các cha Việt Nam và các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đến vùng truyền giáo Fyan, La Ba cách đây 50 năm là một hồng ân cứu độ tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa ban cho những anh chị em Dân tộc Kơho Fyan, cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và cho Giáo Phận Đàlạt. Và suốt 50 năm qua, hồng ân ấy không ngừng được củng cố và lớn mạnh. Các bậc tiền bối là những người đã đặt nền móng cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho như thánh Phaolô đã thiết lập các giáo đoàn dựa trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng Chúa, Hội Thánh và Nhà Dòng Chúa Cứu Thế trao phó. Các ngài đã xây dựng một cộng đoàn Dân Chúa cho người Dân tộc Kơho tại vùng Fyan, Lâm Hà hoàn toàn dựa trên Đức Giêsu Kitô. Các ngài đã làm công việc truyền giáo vì Danh Chúa Giêsu Kitô. Tất cả cho vinh quang của Thiên Chúa. Các ngài không hề làm vì lợi ích cá nhân, không tìm lấy tiếng cho cá nhân mình. Các ngài luôn làm việc tông đồ theo ý muốn của Chúa và xây dựng cộng đoàn những kẻ tin Dân tộc Kơho theo ý muốn của Chúa. Do đó, công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc Kơho tại Fyan, Lâm Hà suốt hơn 50 năm vẫn luôn được củng cố và phát triển theo ý Chúa. Các ngài đã đặt nền móng vững chắc cho công cuộc truyền giáo miền Dân tộc Kơho Fyan luôn luôn và mãi mãi qui về Đức Giêsu Kitô. Các ngài trồng, các lớp kế thừa tưới, tiếp tục sứ mạng của các ngài, nhưng chính Thiên Chúa làm cho công việc loan báo Tin Mừng tại Fyan, Lâm Hà luôn vững mạnh và được vun trồng, chăm bón theo chiều hướng tốt của Hội Thánh, của Nhà Dòng và của Giáo phận. Và cũng chính tại vùng truyền giáo Fyan và những điểm giáo, giáo điểm tại Fyan, các bậc cha anh đã gieo hạt giống của Lời, để đến hôm nay, những hạt giống đó vẫn tiếp tục nảy mầm và lớn lên.

II.     NHÌN VỀ HÔM NAY VÀ NGÀY MAI

         ĐỂ PHÁT TRIỂN :

50 năm đối với lịch sử của một đất nước, một tôn giáo quả thực chưa dài, nhưng đối với đời sống của một con người, 50 năm đã là dài lắm, đã chiếm 3/4 cuộc đời của một đời người. Từ những ngày đầu tiên khi gặp gỡ các người Dân tộc tại sở đồn điền cà phê Fyan và sau này tại các buôn làng Dân tộc xa xôi, hẻo lánh, các cha Antôn Lapointe, Sylvère Drouin, Maurice Benoit, Michel Laliberté và các bậc đàn anh đi trước, đã đến với người Dân tộc, làm quen với họ, thân thiện với họ, biết họ và họ chấp nhận để các cha nói về Chúa cho họ và họ đã tin theo Chúa, hẳn con đường, chặng đường ấy có nhiều hoa thơm cỏ lạ, có hoa núi, hoa rừng, hoa ruộng đồng… nhưng vẫn không thiếu những cỏ gai, những đồi tranh, những rừng già, những đường mòn, những đồi dốc, những quãng đường khúc khửu quanh co, khó khăn giăng mắc. Từ một con số không, từ những buôn làng, bản, sóc gồm những con người chưa hề được nghe nói về Chúa. Những anh chị em Dân tộc hầu như còn ngơ ngác nai tơ, nhìn văn minh như cái gì rất xa lạ với họ, nhìn tôn giáo như cái gì không thực tế đối với các thần đồi, thần núi, thần suối, thần đá, thần khe… Những anh chị em Dân tộc chưa hề biết gì là vệ sinh, là y khoa, là khoa học kỹ thuật. Thiên Chúa đối với họ là một khoảng cách xa vời vợi. Và cũng chính những con người ấy ngày hôm nay đã thành những con chiên ngoan đạo, những công dân của Nước Trời.

Với một thành quả hết sức khiêm tốn, từ năm 1956 – 1958 đã có 55 em Dân tộc được diễm phúc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, làm con Chúa và làm con Giáo Hội. Tới tháng 12.1961, số anh chị em Dân tộc được rửa tội đã gia tăng lên 2.500 người. Và cho tới tháng 7.2007, vùng truyền giáo Dân tộc Lâm Hà và Đamrông đã có hơn 20.000 anh chị em Dân tộc được rửa tội và trở thành con cái Chúa, con cái của Giáo Hội.

Hiện nay, đã có những nhà thờ nằm rải rác ở các nơi như nhà thờ Phú Sơn, nhà thờ Rơlơm, nhà thờ Đoàn Kết, nhà thờ Tân Văn và nhà thờ Lán Tranh và nhà thờ Đa Tông, Đamrông đang được xây dựng.

Vùng truyền giáo Lâm Hà và Đamrông có 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, và 3 linh mục triều phụ trách các nhà thờ nêu trên và các điểm truyền giáo cho người Dân tộc Kơho.

Hiện tại, đã có các dòng nữ phụ giúp công việc truyền giáo như Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, Tu Hội Đời Sống Tông Đồ Nhập Thể – Tận Hiến – Truyền Giáo.

Nhìn lại một chặng đường 50 năm truyền giáo của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế cho người Dân tộc Kơho tại Fyan, Lâm Hà, những thành quả khiêm tốn có được là do hồng ân của Thiên Chúa. Tất cả đều là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa trao ban cho vùng truyền giáo Fyan, Lâm Hà, cho Dòng Chúa Cứu Thế và cho Giáo Phận Đàlạt. Vùng truyền giáo Fyan, Lâm Hà và Đamrông vẫn còn bao la, mênh mông, bạt ngàn : với các buôn làng trải dài từ Đinh Văn tới Đa Krông Kơnô gần 90 cây số, anh chị em Dân tộc tuy đời sống có nơi đã khá hơn, nhưng phong tục, tập quán và nhiều chuyện vẫn còn đó : “Đời sống văn hóa, kinh tế, tôn giáo”. Kinh tế đối với người Dân tộc vẫn muôn đời khó nâng cao. Văn hóa có được khai phóng đó nhưng vẫn đòi hỏi nhiều thế hệ kiên nhẫn và nhiệt tình. Có lúc anh chị em Dân tộc trở lại đạo hàng loạt, nhưng đòi hỏi phải có nhiều nhân sự, nhiều vị tông đồ nhiệt thành, thánh thiện và một sự đào tạo kéo dài nhiều năm, nhiều thế hệ. Điều con tin tưởng là Chúa Thánh Thần luôn hiện diện hướng dẫn vì công cuộc truyền giáo là của Chúa Thánh Thần.

Con đuờng truyền giáo còn đó và vẫn luôn mời gọi nhiều thừa sai thành tâm, thiện chí đi vào mảng loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho tại Fyan, Lâm Hà, Đamrông và nhiều nơi khác trong Giáo phận Đàlạt. Nhìn về những ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa trao ban hôm nay tại vùng truyền giáo Fyan, Lâm Hà và những thách đố, những mong ước tiến tới cho một tương lai tươi sáng là qui tụ mọi anh chị em Dân tộc Kơho trong các buôn làng trong sự hiệp nhất : “để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). Xin cho Tin Mừng Cứu Độ và Danh Đức Giêsu Kitô tiếp tục được vang lên tới mọi nơi, mọi ngõ ngách, mọi buôn sóc, bản làng xa xôi hẻo lánh, vùng sâu vùng xa để tất cả anh chị em Dân tộc nhận ra, tin và đi theo Đức Giêsu Cứu Thế.

III. KẾT LUẬN

Hồi tưởng lại cuộc hành trình tìm về nguồn để tri ân : Những chặng đường truyền giáo của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế tại Fyan, La Ba để cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh cả Giuse vì muôn hồng ân cao vời miền truyền giáo Fyan, Lâm Hà đã, đang và sẽ nhận lãnh. Các bậc tiền bối, các cha anh đi trước như Thánh Phaolô tông đồ, các ngài đã “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7) và các ngài đã “rao giảng lời của Chúa cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa”

(Cl 1,25-26). Hầu hết các bậc đàn anh đã ra đi : Cha Antôn Lapointe đã nằm tại mảnh đất Rơlơm, Đạ Đờn ; Cha Antôn Vương Đình Tài một nhà truyền giáo Việt Nam cũng đã nằm xuống trên vùng đất Giarai, Kontum… và nhiều bậc cha anh đã về với Chúa tại đất nước Canađa nơi chôn rau cắt rốn của các ngài, công cuộc loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho tại Fyan (Phú Sơn), Lâm Hà vẫn còn rất nhiều việc phải thực hiện và hoàn thành. Vùng đất Phú Sơn vẫn bạt ngàn, mầu mỡ, xin hết lòng tri ân các bậc tiền bối .

Như vậy, phải nói rằng, lịch sử hơn 50 năm truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho tại Phú Sơn, Lâm Hà của các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế Canađa và Việt Nam là lịch sử được tưới gội bởi biết bao hy sinh, khó nhọc, biết bao mồ hôi, nước mắt, và bởi biết bao ơn huệ cao vời của Thiên Chúa. Đó là lịch sử và hành trình đức tin phục vụ yêu thương. Đó là lịch sử của những “hồng ân” tiếp nối “hồng ân” và được xây trên những “hồng ân”. Giờ đây, công cuộc truyền giáo cho anh chị em Dân tộc Kơho tại Phú Sơn, Giáo Phận Đàlạt đang chờ được viết tiếp ?

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Ứng xử khi con hay nói leo

 

Có cô đồng nghiệp đến chơi, chị Thành vừa dứt lời khoe cậu con trai 7 tuổi vừa học giỏi vừa ngoan thì ngượng chín mặt vì sau đó, cứ hễ mẹ nói câu nào là cậu nhóc nói leo ngay câu đấy

Cũng như chị Thành, nhiều bậc phụ huynh thấy bực mình vì tật hay nói leo của con, nhất là khi có khách đến nhà. Thật ra, theo tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia giáo dục trường mầm non Hoàng Gia, hành vi này thường thấy ở trẻ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ khi các bé bắt đầu nói rành (2-3 tuổi) đến tận sau này, khi đã trưởng thành, nếu không được bố mẹ uốn nắn ngay. Nhưng thường gặp nhất có lẽ ở các bé 7-9 tuổi.

Tiến sĩ Thoa cho rằng, trẻ làm vậy không phải vì muốn tỏ ra chống đối, hỗn xược nên bố mẹ chớ mắng mỏ, tỏ vẻ tức giận hay dùng các biện pháp mạnh để xử lý ngay. Trước tiên, bạn cần hiểu được nguyên do khiến con hay nói leo: Nhu cầu giao tiếp của trẻ rất lớn. Khi biết nói, nhất là đã nhận thức được nhiều điều xung quanh, trẻ cũng muốn trình bày quan điểm về những vấn đề nó quan tâm hoặc muốn lôi kéo sự chú ý của người lớn.

Theo bà Thoa, để sửa tính này của con, các bậc phụ huynh có thể tham khảo các bước sau:

- Làm gương: Đừng ngắt lời khi bé nói hay tranh phần nói với trẻ.

- Đặt ra nguyên tắc "Người nói phải có người nghe". Bạn có thể nhẹ nhàng bảo con: "Khi con nói, mẹ sẽ nghe và ngược lại, khi mẹ nói, con sẽ nghe", hay, "Lúc con đang nói chuyện với người khác, chắc chắc con không muốn mẹ xen vào, và mẹ cũng vậy". Bạn cũng cần thỏa thuận trước với bé: "Nếu người lớn đang nói chuyện mà con nói leo, sẽ không ai thích và đáp lại cả".

- Nếu bạn đang nói mà con cướp lời hoặc cố ý xen vào cuộc nói chuyện của bạn với người khác, bạn nên ngừng nói một chút và nhắc lại nguyên tắc trên với con. Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: "Bây giờ mẹ không thể trả lời con được" rồi ra dấu cho bé im lặng.

Tuy nhiên, sau đó, bạn cần hỏi con muốn nói gì và chăm chú lắng nghe sự trình bày của trẻ.

- Lặp lại nhiều lần các bước trên. Chắc chắn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để con thay đổi thói quen không tốt này. Đó là khi bé hiểu được khi nào thì không nên nói và nói vào lúc nào sẽ được mọi người lắng nghe và đáp ứng.

Theo Minh Thùy (VNE)

Theo web site www.lamchame.com

Mục lục

ĐỌC SÁCH

ĐỨC GIÊSU TRUYỀN GIÁO CHO LƯƠNG DÂN

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp : ‘Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” đã định nghĩa truyền giáo như sau : “ Truyền giáo chỉ là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được ngỏ bày trong Đức Giêsu Kitô”.

 

Theo dõi sinh hoạt của Chúa Giêsu trong ba năm truyền đạo, ta thấy Người yêu thương loài người đến độ chấp nhận cái chết đau thương, oan khiên và tủi nhục đến cùng cực. Nhưng ta vẫn thấy nổi bật lên lòng Người yêu thương đặc biệt dành cho các đối tượng sau đây : người ngoại, người tội lỗi, người bệnh tật, người nghèo khổ và tuổi thơ.

 

Trong năm đối tượng trên, người ngoại được sách Tin mừng nói đến nhiều nhất.

 

Lc 4, 16-20

 

Hôm ấy Đức Giêsu trở về thăm quê hương Nadrét. Người đến nguyện đường, được đồng hương mời lên giảng đài. Sau bài giảng, đồng hương nổi giận đòi giết Người đi. Tại sao và có thật không. Có một vài nhà chú giải cho rằng, theo trình thuật của Matthêu và Maccô ( Mt 13,53-58; Mc 6,1-6)) thì đồng hương chỉ bất bình với  Chúa thôi; còn chuyện đồng hương đòi giết Chúa, thì có thể do Luca hư cấu, để chuẩn bị tinh thần độc giả đón nhận cây khổ giá mà Chúa Giêsu sẽ nói rất nhiều về sau. Khi vài nhà chú giải nói là “có thể” như thế, thì không có nghĩa là ‘nhất định “ phải như thế.

Chuyện đồng hương đòi giết Chúa là rất hợp tình, hợp lý và hợp  pháp nữa

 

+ Hợp tình và hợp lý vì Chúa đề cao người ngoại hơn người đạo. Người ngoại chỉ là bậc thang đưa người Do Thái lên hàng bá quyền. Thánh vịnh 79 khẳng định như thế “Gốc nho ấy Chúa bứng từ Ai Cập. Đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng”. Đuổi người ngoại đi tới đâu ? Đi tới “tận miền Sông Cả”. ( Tv 17,9-12).

 

Isaia cũng khẳng định điều đó :“Đây là lời Chúa phán: này ta tuôn đổ xuống thành đô ơn thái bình tự dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66, 12). Đó là hình ảnh các dân tộc ngoại hằng năm đem vàng bạc châu báu, chất lên lưng lạc đà, chập chùng về  thủ đô Giêrusalem để triều cống.

 

Trước mắt người Do Thái, người ngoại chỉ là ‘bọn không cắt bì”. Thậm chí ai quan hệ với người ngoại thì mắc uế. Lãnh đạo Do thái không dám vào Dinh Philatô để nạp và tố cáo Chúa cũng chỉ vì sợ mắc uế không thể mừng lễ Vượt Qua. Khinh dể người ngoại đến thế là cùng.

 

Người Do Thái là thế.  Còn Chúa thì đã đề cao người ngoại hai lần trong một bài giãng. Lần một “Thời Êlia…cả nước phải đói kém dự dội trong nước Israel có biết bao nhiêu bà goá, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, mà chỉ được sai đến giúp bà goá ở Xarépta miền Xiđôn”. Lần khác :“ Thời Êlia, thiếu gì  người cùi trong nước Israel, thế mà chẳng ai được sạch, trừ ông Naaman, người nước Syry”.

 

+ Hợp pháp, vì luật chỉ đòi hỏi hai người làm chứng là đủ. Hai ông già ba mươi lăm trong sách Đamien để để dẫn bà Xudanna đi cho  dân ném đá. Còn ở nguyện đường Nadarét này, có hằng trăm người cùng nghe Chúa xúc phạm đến Dân Thánh của Chúa bằng cách hai lần cho người ngoại leo thang vượt mặt đám Do Thái của Giavê.

 

2. Lc 7, 1-10

 

Ông sĩ quan ở Caphácnaum là một người ngoại, một tên đại úy  trong quân đội Rôma xâm lược, thế mà Chúa lại đề cao ông ta hơn mọi người Do Thái: “Ta chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Israel”. Chúa yêu quý người ngoại tới mức độ khen ông sĩ quan này một cách quá đáng. Thật ra trong nước Israel có vô số  niềm tin lớn hơn thế nữa, hơn thế ngàn lần. Đó là niềm tin của Gioan Tẩy Giả, của bà Êlisabét, của thánh Giuse và nhất là của Đức Mẹ. Chúa cố tình cường điệu lời khen người ngoại như thế để nói lên cái TÂM của Người.

 

3. Lc 10, 29-37

 

Trong khi người Do thái coi đồng bào Samari như người ngoại, thì Chúa lại đề cao nhân vật người Samari hơn cả ông tư tế trong đền thờ. Hơn thế nữa Chúa còn bảo ông Kinh sư (là bậc thầy của tín đồ Do Thái) phải bắt chước nhân vật Samari mà sống. Đề cao người ngoại đến thế là tột cùng rồi. Dụ ngôn người Samari nhân từ này chắc chắn đã làm đau lòng người Do Thái lắm. Chúa biết thế, nhưng vẫn quyết tâm làm như thế. Đó là tấm lòng của Người đối với dân ngoại.

 

4. Lc 17, 11-19

 

Khi mười người cùi được khỏi bệnh, thì có một người trở lại cám ơn Chúa. Chúa khen rồi hỏi thêm một câu “mà người này là người ngoại bang”.Thật ra, chin người kia chẳng nỡ tâm quên ơn Chúa đâu. Họ mừng quá, vội vàng báo tin cho thân nhân…Họ sẽ trở lại cám ơn Chúa sau. Chẳng ai quên được ơn này đâu. Ơn này còn lớn hơn ơn cứu sống nữa. Nhưng tại sao Chúa lại muốn đề cao cái người ngoại bang này? Cũng chỉ vì cái TÂM của người thế. Hễ cứ nói đến người ngoại là thương liền, là muốn đề cao ngay.

 

Truyền thống người Do thái là nghét người ngoại như thế đó. Còn Đức Giêsu thì yêu người ngoại và đề cao người ngoại như thế đó. Yêu người ngoại đến mức độ suýt bị giết chết tại quê hương Nadarét yêu dấu của mình. Còn Giáo Hội của Chúa thì có thái độ nào đối với lương dân ? Phải trả lời ngay là đáng buồn vô cùng. Nhưng dù buồn thì chúng ta vẫn phải nói với nhau một cách thành thật để sám hối, để đổi mới, để khỏi làm méo mó khuôn mặt cuả Thầy Chí Thánh, mà chúng ta là người có nhiệm vụ loan báo ( SVĐCĐ 43)

 

Đã có một câu kinh làm phật lòng anh em lương dân không ít. Đó là : “Người ngoại sa xuống đầy dẫy hoả ngục, thì  ố danh Chúa tôi là dường nào’. Đành rằng kinh này đã bị Hội Đồng Giám Mục Đông Dương loại bỏ từ năm 1952, nhưng cũng phải tự hỏi  : từ một ý thức nào về thần học khiến có một ý nghĩ như thế về người ngoại ?

 

Trong ngôn ngữ dân gian của “nhà đạo” cách đây chừng bốn thập niên đã nói lên cái não trạng đáng buồn của người “đạo’ đối với người “ngoại’. Ví dụ “Quân ngoại đạo, kẻ ngoại đạo, Bụt Thần Ma Quỷ”

 

Cha Đắc Lộ trong cuốn “Phép Giảng Tám Ngày” đã dành một bài, bài thứ bốn, để nói về Đức Phật. Người ta có thể tóm lược bài giảng ấy như sau: Phật Thích Ca là một tên gian dối, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ, bỏ con để đi rao giảng những sự dối trá mà lừa gạt  chúng  sinh. Khi đọc Thông điệp Ecclesiam Suam của Đức Phaolô II mới thấy nhận xét ấy của cha Đắc Lộ là một sai lầm khủng khiếp. trong khi Đức Phaolô gọi Đức Phật và các vị sáng lập các tôn giáo lớn ở Á Châu là những vị ân nhân vĩ đại của loài người, thì cha Đắc Lộ lại gọi Đức Phật là một tên gian dối. Cái sai lầm ấy của cha Đắc Lộ có nguyên nhân của lịch sử, của địa dư, của văn hoá Đông-Tây. Nó có thể được biện minh được giảm khinh. Nhưng vẫn là một sai lầm đáng buồn.

 

Có một bức tranh về Thánh Phanxicô đang rửa tội cho người Ấn Độ. Xa xa có một tượng Đức Phật đang đổ nhào xuống sông. Hoạ sĩ nào vẽ thì không biết, nhưng bức tranh ấy thậm chí đã được phổ biến rộng rãi trong Giáo hội. Thậm chí đã được phát đi chừng 2000 tấm trong dịp lễ phong chức Giàm mục cho Đức cha Phanxicô Trần Thanh Khâm. Điều đó chứng tỏ rằng đã có một sai lầm có tính thần học và các tôn giáo bạn là một sai lầm về phương pháp truyền giáo.

 

Vậy người truyền giáo hôm nay phải làm gì ?

 

  1. Phải tôn trọng và đề cao các tôn giáo bạn như Đức Giêsu đã làm
  2. Phải nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ để yêu thương các tôn giáo bạn nhiều hơn, như một dự đền bù theo đức công bằng.
  3. Phải đối thoại và hợp tác với các tôn giáo bạn để cùng nhau đưa đồng bào đến một thế giới tốt đẹp hơn (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số )

 

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Mục lục